Nghịch lý của chuyện đòi “xem xét lại vụ án Năm Cam”

09/08/2011 08:24 AM

Thời gian gần đây, sau khi vụ án “gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại Công ty Gas Bình Dương (Bidgasco) được đình chỉ điều tra và đặc biệt là đầu tháng 7 năm nay, khi Cục Điều tra hình sự của Viện KSND tối cao tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 cựu sĩ quan thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Tiền Giang để điều tra về hành vi “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đã dấy lên dư luận liên quan đến tướng Công an Nguyễn Việt Thành.

Có cơ quan truyền thông kiến nghị “xem xét lại vụ án Năm Cam” vì  “đã có trường hợp oan sai” rồi còn cho rằng báo chí trong thời gian ấy đã “bám theo ông Tư Bốn” mà “góp phần tạo ra những oan sai”. Bản chất của vấn đề này như thế nào và khía cạnh phi logic của lập luận “xét lại” được phân tích dưới đây:

Thực hư một vụ “oan sai”

“Vụ bắt oan sai ông Bùi Mạnh Lân, Đỗ Cao Bằng… là điển hình của việc vi phạm luật pháp. Vụ việc xảy ra ở Bình Dương, nhưng Công an Tiền Giang thực hiện lệnh bắt, rồi huy động hàng chục cảnh sát xông đến trụ sở một đơn vị kinh tế và bất chấp các quy định về tố tụng”. Thực tế có đúng như dư luận ấy?

Phiên tòa xét xử vụ án Năm Cam - ảnh: Ngọc Hải
Phiên tòa xét xử vụ án Năm Cam - ảnh: Ngọc Hải

Trở lại hồ sơ chuyên án Năm Cam giai đoạn 2, hành trình tố tụng cam go của vụ án này hoàn toàn khác. Đặc biệt là khi các hoạt động điều tra luôn đặt dưới sự kiểm soát gắt gao của Viện KSND tối cao và chịu sự chỉ đạo của Ban Nội chính T.Ư thời điểm bấy giờ. Và mặc dù ngày 16.8.2004, Viện KSND tối cao đã ra các quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra đối với 7 bị can trong vụ án, nhưng chưa ai khẳng định vụ án này là oan sai. Đó là chưa nói, các quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt giam trong vụ án đều có sự phê chuẩn của Viện KSND tối cao; do vậy, theo luật định, nếu xảy ra oan sai thì cấp tiến hành tố tụng chịu trách nhiệm bồi thường là Viện KSND tối cao chứ không phải là Cơ quan CSĐT và tướng Nguyễn Việt Thành.

Trên thực tế, khi đánh giá về vai trò của các ông Lân và Bằng trong vụ án, tại văn bản ngày 11.6.2003 (phúc đáp công văn đề nghị phê chuẩn lệnh tạm giam Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng của Cơ quan CSĐT - Bộ Công an), Viện KSND tối cao đã có ý kiến: “Theo nội dung công văn và nghiên cứu một số bản cung của các bị can Bùi Mạnh Lân, Đỗ Cao Bằng khai các ngày 28, 29, 30.5.2003 do Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Tiền Giang xét hỏi thể hiện: Bùi Mạnh Lân - Giám đốc Công ty Hưng Thịnh có góp vốn 2,6 tỉ vào Công ty Gas Bình Dương, ủy quyền cho Đỗ Cao Bằng - Phó giám đốc đứng tên. Do có quyền lợi Công ty Gas Bình Dương, đang tranh chấp với Nguyễn Văn Tạo nên đã họp bàn tổ chức gây rối ở Công ty Gas Bình Dương ngày 18.9.2000. Với nội dung tài liệu đã điều tra được nêu trên, đến nay có cơ sở để xem xét việc phê chuẩn tạm giam đối với Bùi Mạnh Lân”.

Đến ngày 5.12.2003, trong công văn chuyển hồ sơ vụ án về cho Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Dương viết cáo trạng truy tố 7 bị can ra tòa, kiểm sát viên Bùi Đăng Bình, Phó vụ trưởng Vụ I - thừa ủy quyền của Viện trưởng Viện KSND tối cao - cũng nói rõ: “Vụ I thấy rằng nội dung sự việc phạm tội gây rối trật tự công cộng xảy ra ngày 18.9.2000 tại Công ty Gas Bình Dương cơ bản đúng như đã nêu tại bản kết luận điều tra. Hành vi của các bị can Lân, Bằng, Hướng, Bình, Thọ, Có, Luông, Hùng có đủ yếu tố cấu thành tội phạm “Gây rối trật tự công cộng”…”

Thế nhưng ngày 16.6.2004, Ban Nội chính T.Ư có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện KSND tối cao và Chánh án TAND tối cao. Nội dung thể hiện ngày 16.2.2004, Tỉnh ủy Bình Dương có công văn số 485/CV-TU gửi Viện KSND tối cao nêu ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy đề xuất đường lối giải quyết vụ án như sau: “Vụ việc xảy ra đã lâu, thiệt hại xảy ra không lớn, các bên tranh chấp đã được TAND tỉnh Bình Dương hòa giải thành, tự thỏa thuận phân chia tài sản, không còn khiếu nại; Hành vi của các bị can cấu thành tội gây rối trật tự công cộng nhưng việc xử lý hình sự hiện nay không còn mang tính thời sự và có ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh, chỉ cần xử lý hành chính cũng thỏa đáng. Thời gian bị tạm giam cũng đủ để giáo dục, răn đe các bị can và phòng ngừa chung. Tỉnh ủy Bình Dương đề nghị Viện KSND tối cao có ý kiến chỉ đạo Viện KSND tỉnh Bình Dương xử lý vụ án theo thẩm quyền”.

Mặc dù lúc bấy giờ, mong muốn của tướng Nguyễn Việt Thành là “hành vi phạm tội của các bị can đã rõ, tính chất phạm tội nghiêm trọng do đó cần phải đưa ra truy tố, xét xử để đảm bảo sự công bằng, bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật”, nhưng thẩm quyền thuộc về Viện KSND tối cao và vụ án cuối cùng đã được đình chỉ như đã nói trên. Như vậy sao có thể đặt vấn đề Cơ quan điều tra làm oan sai người vô tội được?

Còn tại sao tội phạm ở TP.HCM lên Bình Dương gây án mà Công an Tiền Giang lên bắt thì vấn đề này thực ra không có gì mới. Nhiều năm trước đây cũng từng có người thắc mắc như vậy và trong báo cáo gửi Ban Nội chính T.Ư tháng 7.2004, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã phân tích:

“Do khai thác mở rộng vụ án Trương Văn Cam, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Tiền Giang đã phát hiện các đối tượng do Bằng, Bình thuê gây rối tại Công ty Gas Bình Dương là những đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, không có việc làm, địa chỉ rõ ràng, các đối tượng này có biểu hiện gây cản trở cho việc điều tra. Nên tại cuộc họp lúc 13 giờ 30 ngày 22.3.2003, đồng chí trung tướng Nguyễn Việt Thành đã chỉ đạo Công an Tiền Giang bắt khám xét khẩn cấp 5 đối tượng trên.

Theo báo cáo nhanh ngày 27.4.2003 của C14-C3 do đồng chí Hoàng Tân Việt - Phó cục trưởng ký, căn cứ vào tài liệu trinh sát của C14-C3 cung cấp thấy Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng có biểu hiện bán nhà, cổ đông, không về nơi thường trú gây khó khăn cho việc trinh sát theo dõi, có dấu hiệu bỏ trốn và đề xuất đồng chí trung tướng Nguyễn Việt Thành chỉ đạo C16-C3 và Tổ A4 (Tổ điều tra thuộc Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Tiền Giang được trưng dụng điều tra vụ án Trương Văn Cam), áp dụng ngay biện pháp ngăn chặn bắt giữ Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng đề phòng đối tượng chạy trốn. Đồng chí Nguyễn Việt Thành đã đồng ý đề xuất. Ngày 29.4.2003, Công an Tiền Giang đã ra lệnh bắt, khám xét khẩn cấp và các đơn vị liên quan đã tổ chức thực hiện lệnh. Việc này là phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thẩm quyền điều tra đối với Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm”.

Trên thực tế, Viện KSND tối cao là cơ quan thay mặt Nhà nước thực hiện các chức năng kiểm sát điều tra và kiểm soát hoạt động tư pháp, cho đến thời điểm này cũng chưa có ý kiến gì về việc có hay không vi phạm tố tụng trong vụ án này. Do vậy đặt vấn đề “xem xét lại” vụ án Năm Cam ở đây là không thỏa đáng.

Còn nữa

Theo Thanh niên

Chia sẻ bài viết lên facebook 4,311

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079