05 chính sách giáo dục nổi bật có hiệu lực từ tháng 3/2020

25/02/2020 09:22 AM

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT trân trọng gửi đến Quý khách hàng 05 chính sách giáo dục nổi bật có hiệu lực từ tháng 3/2020.

File Word 05 chính sách giáo dục nổi bật
có hiệu lực từ tháng 3/2020

1. Hình thức đào tạo sẽ được ghi trên phụ lục văn bằng giáo dục đại học

Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư 27/2019/TT-BGDĐT quy định nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục đại học.

Theo đó, bên cạnh văn bằng giáo dục đại học, sẽ cấp kèm theo phụ lục văn bằng, gồm các nội dung chính sau đây:

- Thông tin về người được cấp văn bằng: họ, chữ đệm, tên, ngày tháng năm sinh.

- Thông tin về văn bằng: tên cơ sở giáo dục đại học cấp bằng, chuyên ngành đào tạo, ngày nhập học, ngôn ngữ đào tạo, thời gian đào tạo, trình độ đào tạo theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam, hình thức đào tạo.

- Thông tin về nội dung, kết quả học tập (nếu có): tên học phần hoặc môn học, số tín chỉ của từng học phần hoặc môn học, điểm học phần hoặc môn học, tổng số tín chỉ tích lũy, điểm trung bình, tên và kết quả luận văn, luận án, điểm xếp hạng tốt nghiệp.

Trường hợp văn bằng được cấp khi các tín chỉ tích lũy ở những cơ sở đào tạo khác nhau, cần ghi rõ tên môn học, số tín chỉ của từng môn học được công nhận để xét tốt nghiệp và tên cơ sở đào tạo.

- Thông tin kết nối với văn bằng: mã số sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh;...

Thông tư 27/2019/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2020 và thay thế Thông tư 19/2011/TT-BGDĐT ngày 24/5/2011; Thông tư 23/2009/TT-BGDĐT ngày 12/8/2009; Thông tư 24/2009/TT-BGDĐT ngày 12/8/2009.

2. Trợ cấp đối với nhà giáo chưa có phụ cấp thâm niên trong lương hưu

Chính phủ ban hành Nghị định 14/2020/NĐ-CP quy định về chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu (có hiệu lực từ ngày 15/3/2020 và thay thế Quyết định 52/2013/QĐ-TTg ngày 30/8/2013).

Cụ thể, đối tượng áp dụng của Nghị định 14/2020/NĐ-CP bao gồm:

- Nhà giáo là giáo viên, giảng viên, cô nuôi dạy trẻ, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, chủ nhiệm nhà trẻ, phó chủ nhiệm nhà trẻ, giám đốc, phó giám đốc, trưởng khoa, phó trưởng khoa, chủ nhiệm khoa, phó chủ nhiệm khoa, trưởng ban, phó trưởng ban, trưởng phòng, phó trưởng phòng, nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành hoặc nghỉ chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu và bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/1994 đến ngày 31/5/2011 tại các cơ sở giáo dục công lập sau:

+ Cơ sở giáo dục mầm non;

+ Cơ sở giáo dục phổ thông;

+ Cơ sở giáo dục nghề nghiệp;

+ Cơ sở giáo dục đại học;

+ Cơ sở giáo dục thường xuyên;

+ Các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

- Nhà giáo nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục hoặc nghỉ chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu và được bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/1994 đến ngày 31/5/2011 tại cơ sở giáo dục bán công nhưng trước đó được điều động từ các cơ sở giáo dục công lập hoặc tại cơ sở giáo dục bán công do cấp có thẩm quyền chuyển đổi từ cơ sở giáo dục công lập và được xếp lương theo bảng lương của ngạch viên chức ngành giáo dục.

- Nhà giáo làm công tác giảng dạy, giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập được cấp có thẩm quyền cử làm chuyên gia giáo dục ở ngoài nước, khi hết thời gian làm chuyên gia về nước thì nghỉ hưu ngay.

- Nhà giáo nghỉ hưu có thời gian tham gia giảng dạy ở các lớp học được tổ chức tại các đơn vị thanh niên xung phong mà chưa hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước dành cho thanh niên xung phong; nhà giáo là quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu sau đó chuyển ngành về công tác giảng dạy, giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập khi nghỉ hưu là giáo viên, giảng viên trong lương hưu có phụ cấp thâm niên lực lượng vũ trang nhưng không có phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Lưu ý: Đối tượng nêu trên đã được giải quyết chế độ theo quy định tại Quyết định 52/2013/QĐ-TTg thì không được hưởng, không được điều chỉnh mức trợ cấp đã hưởng theo quy định tại Nghị định 14/2020/NĐ-CP.

3. Quy trình lựa chọn sách giáo khoa trong cơ cở giáo dục phổ thông

Nội dung này được quy định tại Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ cở giáo dục phổ thông (có hiệu lực từ ngày 15/3/2020), cụ thể như sau:

- Tổ chuyên môn tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá sách giáo khoa của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa. Giáo viên bỏ phiếu kín lựa chọn một đầu sách giáo khoa cho mỗi môn học thuộc phạm vi đánh giá, lựa chọn của tổ chuyên môn.

Tổ chuyên môn báo cáo Hội đồng danh mục sách giáo khoa được lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự số phiếu đồng ý lựa chọn từ cao xuống thấp. Danh mục sách giáo khoa được lựa chọn có chữ ký của tổ trưởng tổ chuyên môn và các giáo viên trong tổ chuyên môn.

- Hội đồng họp, thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn theo các nguyên tắc quy định tại Điều 2 Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT và tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa. Hội đồng bỏ phiếu kín lựa chọn sách giáo khoa. Sách giáo khoa được lựa chọn phải được trên 1/2 (một phần hai) số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn.

Trường hợp sách giáo khoa không được trên 1/2 (một phần hai) số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn, Hội đồng thảo luận, phân tích các sách giáo khoa với các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa và bỏ phiếu lựa chọn lại.

Sau lần bỏ phiếu thứ hai, nếu vẫn không được trên 1/2 (một phần hai) số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn thì Hội đồng quyết định lựa chọn sách giáo khoa có số phiếu đồng ý cao nhất trong danh mục sách giáo khoa do tổ chuyên môn báo cáo theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT.

Hội đồng tổng hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa thành biên bản, có chữ ký của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký và các Ủy viên tham dự.

- Hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục sách giáo khoa đã được Hội đồng lựa chọn để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.

- Trên cơ sở đề xuất của Hội đồng, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định danh mục sách giáo khoa sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.

4. Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CTĐT giáo viên trình độ cao đẳng và trung cấp sư phạm

Theo Thông tư 02/2020/TT-BGDĐT, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm bao gồm:

- Tiêu chuẩn 1: Mục tiêu và chuẩn đầu ra

- Tiêu chuẩn 2: Bản mô tả chương trình đào tạo;

- Tiêu chuẩn 3: Cấu trúc và nội dung chương trình dạy học;

- Tiêu chuẩn 4: Phương pháp tiếp cận trong dạy và học;

- Tiêu chuẩn 5: Tuyển sinh và hỗ trợ người học;

- Tiêu chuẩn 6: Đánh giá kết quả học tập của người học;

- Tiêu chuẩn 7: Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên và nhân viên;

- Tiêu chuẩn 8: Cơ sở vật chất và trang thiết bị;

-  Tiêu chuẩn 9: Bảo đảm và nâng cao chất lượng;

- Tiêu chuẩn 10: Kết quả đầu ra.

Hiện hành, theo Quyết định 72/2007/QĐ-BGDĐT ngày 30/11/2007, chỉ có 07 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình giáo dục ngành giáo dục tiểu học trình độ cao đẳng.

Thông tư 02/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/3/2020 và thay thế Quyết định 72/2007/QĐ-BGDĐT ngày 30/11/2007.

5.  Quy định mỗi giảng viên cần có diện tích làm việc 10m2

Có hiệu lực từ ngày 27/3/2020, Thông tư 03/2020/TT-BGDĐT quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Cụ thể, diện tích làm việc của giáo sư, phó giáo sư, giảng viên chính, giảng viên được quy định như sau:

- Mỗi giáo sư cần có diện tích làm việc 18m2;

- Mỗi phó giáo sư cần có diện tích làm việc 15m2;

- Mỗi giảng viên chính, giảng viên cần có diện tích làm việc 10m2.

Bên cạnh đó, quy định về phòng chờ cho giảng viên như sau:

- 20 phòng học có 01 phòng chờ cho giảng viên;

- Diện tích chuyên dùng của phòng chờ là 3m2/giảng viên, với diện tích phòng không nhỏ hơn 24m2/phòng.

Châu Thanh

Chia sẻ bài viết lên facebook 36,334

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079