Luật hóa để thương lượng tập thể thực chất

06/07/2020 15:50 PM

Công ước 98 ILO nhằm bảo đảm thương lượng tập thể giữa người lao động và người sử dụng lao động có thể diễn ra một cách hiệu quả. Do đó, một thay đổi quan trọng của Việt Nam để phù hợp với Công ước 98 là phải xóa bỏ thực trạng phổ biến hiện nay về việc công đoàn cơ sở bị chi phối bởi quản lý doanh nghiệp để bảo đảm thương lượng tập thể thực chất.

thương lượng tập thể

Công ước 98 nhằm bảo đảm thương lượng tập thể giữa người lao động và người sử dụng lao động có thể diễn ra một cách hiệu quả.

Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo công bố gia nhập Công ước số 98 của ILO và tham vấn dự thảo kế hoạch thực hiện Công ước số 98 của ILO do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 6/7 tại Hà Nội.

Luật hóa các tiêu chuẩn của Công ước 98

Công ước 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) được thông qua năm 1949, có 3 nội dung cơ bản: Bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động; bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động; những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí. Công ước này được kỳ vọng đem lại điều kiện làm việc tốt hơn, năng suất lao động cao hơn và lợi ích kinh tế được chia sẻ công bằng.

Thực tế, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) và hầu hết các tuyên bố về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp của các công ty đa quốc gia đều đòi hỏi phải tuân thủ Công ước số 98 và các công ước cơ bản khác được nêu trong Tuyên bố 1998 của ILO. Trong bối cảnh Việt Nam gia nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước 98 của ILO vào tháng 6/2019 và chính thức có hiệu lực từ 5/7/2020.

Công ước 98 nhằm bảo vệ người lao động và cán bộ công đoàn không bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc, bảo đảm cho các tổ chức đại diện của người lao động và người sử dụng lao động không bị can thiệp hoặc chi phối từ bên còn lại. Bên cạnh đó, Công ước này yêu cầu Nhà nước cần có các biện pháp về pháp luật và thiết chế nhằm thúc đẩy thương lượng tập thể.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết cùng với việc gia nhập Công ước 98, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2021. Về cơ bản, các tiêu chuẩn Công ước 98 đã được luật hóa trong Bộ luật Lao động 2019.

Theo Thứ trưởng Lê Quân, Bộ luật Lao động mới đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung quan trọng để đáp ứng tiêu chuẩn của Công ước 98: Thứ nhất là về quyền tập thể của tổ chức đại diện người lao động trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện của người lao động đã luật hóa; thứ hai là đã luật hóa về bảo đảm nguyên tắc thương lượng tập thể tự nguyện thiện trí; thứ ba, đã bảo vệ người lao động, cán bộ tổ chức đại diện của người lao động không bị phân biệt đối xử bởi người sử dụng lao động; thứ tư là bảo vệ tổ chức đại diện của người lao động không bị can thiệp thao túng bởi người sử dụng lao động và thứ năm là bảo đảm quy trình giải quyết tranh chấp lao động nhằm thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện.

Đẩy mạnh thương lượng tập thể thực chất

Hiện nay, Bộ luật Lao động đã quy định cấm các hành vi phân biệt đối xử với người lao động tham gia tổ chức công đoàn. Bên cạnh đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng và ban hành mới các nghị định quy định chi tiết về thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể; về tổ chức đại diện người lao động; giải quyết tranh chấp lao động… để bảo đảm đúng các nguyên tắc và tiêu chuẩn của Công ước 98. Tuy nhiên, quá trình thực thi các quy định này còn nhiều thách thức.

Bà Nguyễn Thu Hằng, Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) chỉ ra rằng các hành vi phân biệt đối xử chống lại công đoàn hay việc can thiệp và thao túng của người sử dụng lao động đối với người lao động ngày càng tinh vi.

Công ước 98 nhằm bảo đảm thương lượng tập thể giữa người lao động và người sử dụng lao động có thể diễn ra một cách hiệu quả. Do đó, một thay đổi quan trọng của Việt Nam để phù hợp với Công ước 98 là phải xóa bỏ thực trạng phổ biến hiện nay về việc công đoàn cơ sở bị chi phối bởi quản lý doanh nghiệp để đảm bảo thương lượng tập thể thực chất.

Ông Chang Hee-Lee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam nhận định việc phê chuẩn Công ước 98 sẽ đẩy mạnh hơn nữa thương lượng tập thể thực chất để có được những giải pháp đem lại lợi ích cho tất cả các bên tại nơi làm việc ở Việt Nam. Điều này có thể dẫn đến điều kiện làm việc tốt hơn, năng suất lao động cao hơn, góp phần mang lại phát triển bền vững.

Thứ trưởng Lê Quân cho rằng, pháp luật hiện nay quy định các nguyên tắc của Công ước 98 khá đầy đủ nhưng thực thi trong thực tế là vấn đề lớn. Để bảo đảm thực thi Công ước 98 có hiệu quả  cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước 98; nghiên cứu, xây dựng các mô hình quan hệ lao động khả thi, hiệu quả trên cơ sở thương lượng tập thể được thúc đẩy thực hiện thực chất và hiệu quả trên thực tế.

“Chúng ta cần đào tạo, bồi dưỡng cho các bên liên quan đến thương lượng tập thể  bởi vì sẽ không thể thương lượng nếu không có năng lực tốt. Bên cạnh đó, phải xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin hỗ trợ cho công tác thương lượng tập thể có hiệu quả”, Thứ trưởng Lê Quân cho biết.

Để thực thi Công ước 98, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện trình Chính phủ thông qua. Theo đó, kế hoạch thực hiện có lộ trình cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cấp, các ngành. Nội dung kế hoạch thực hiện là hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường lăng lực thực thi các thiết chế, nguyên tắc của Công ước 98. Bên cạnh đó, kế hoạch cũng quy định cơ chế phối hợp, giám sát và trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan.

Thu Cúc

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết lên facebook 4,384

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079