Tranh cãi bổ sung dự án vốn trái phiếu Chính phủ

12/06/2012 08:10 AM

- Quốc hội kỳ họp thứ 2 đã ra Nghị quyết thống nhất không bổ sung dự án mới, vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) từ nay đến năm 2015. Thế nhưng sau 6 tháng, Chính phủ lại trình xin bổ sung 5 dự án và tăng vốn. Nhiều đại biểu không tán thành.



Phiên thảo luận của Quốc hội sáng 11/6 về việc bổ sung 5 dự án sử dụng vốn TPCP giai đoạn 2012-2015 đã nảy ra cuộc tranh luận gay gắt. 5 dự án này gồm: xây cầu Năm Căn, tỉnh Cà Mau thuộc dự án đường Hồ Chí Minh do Bộ GTVT quản lý; cầu Kim Xuyên, Tuyên Quang; xây ký túc xá cho sinh viên ĐH Trà Vinh, bệnh viện ung thư Đà Nẵng và 5 dự án thành phần thuộc dự án đường ven biển Ninh Thuận.

Sao lại làm sai nghị quyết?

Rất nhiều đại biểu dẫn lại: Cách đây 6 tháng, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 12, tháng 11/2011 với nội dung xây dựng nguyên tắc cụ thể rà soát các dự án đầu tư công. Nghị quyết quy định “không bổ sung các dự án mới, không bố trí vốn cho phần điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng quy mô và không phát hành vốn TPCP giai đoạn 2011-2015 vượt quá 225.000 tỷ đồng”.

ĐB Danh Út: Chúng tôi không hài lòng lắm...Ảnh: Minh Thăng

Những nguyên tắc đó phù hợp với tờ trình của Chính phủ tháng 11/2011 nhằm đảm bảo hiệu quả vốn trái phiếu Chính phủ, tránh dàn trải, lãng phí.

ĐB Lê Đình Khanh, Hải Dương bày tỏ: “Nguyên tắc này gần như bất di bất dịch. Lúc bàn Nghị quyết, tôi nghe như là từ nay không có chuyện tùy tiện bố trí cấp vốn nữa, từ nay tới năm 2015, yên trí chỉ có 225.000 tỷ đồng, cứ thế mà thực hiện thôi. Không hiểu sao, chỉ 5 tháng sau, Chính phủ lại xin bổ sung?”.

“Cách làm thế này liệu có ảnh hưởng đến lòng tin của đại biểu không? Trong bối cảnh vốn hạn chế, liệu có ảnh hưởng về chủ trương tránh dàn trải, lãng phí không”, ĐB Nguyễn Mạnh Cường, Quảng Bình chia sẻ.

ĐB Danh Út, Kiên Giang thẳng thắn phê bình: “Chúng tôi không hài lòng lắm khi mới ban hành Nghị quyết ở kỳ họp thứ 2 thì giờ lại làm ngược lại”.

ĐB Lê Việt Trường, tỉnh An Giang còn lo ngại: “Nếu chúng tôi ủng hộ bấm nút thông qua 5 dự này thì đi tiếp xúc cử tri rất khó ăn khó nói. Các cử tri bức xúc vì sao 5 dự án kia được vào mà dự án ở địa phương mình lại không được bổ sung?”.

Mập mờ tiêu chí


Hầu như ĐB nào cũng than phiền việc Chính phủ không đưa ra được tiêu chí cụ thể cho lựa chọn của mình.

ĐB Nguyễn Mạnh Cường thẳng thắn đặt câu hỏi: “Căn cứ vào tiêu chí gì mà chúng ta quyết định bổ sung vốn cho 5 dự án này? Tôi thấy rằng cách trình của Chính phủ chưa rõ ràng. Việc bố trí vốn công khai, minh bạch là rất quan trọng. Đó là vấn đề chống tham nhũng”.

ĐB Lê Việt Trường nhấn mạnh: “Thế nào là cấp thiết, cấp bách? Nếu không làm rõ thì lý luận thế này, thế kia đều cũng được. Nhiều công trình khác mà nếu đem ra đây bàn thì tỉnh nào cũng sẽ bảo công trình tỉnh tôi là cấp bách.

Gần như, ĐB nào cũng có thể chỉ ra rằng, tỉnh mình cũng đều có các dự án cấp bách không kém gì 5 dự án của Chính phủ trình. Ví dụ như ĐB Lê Nam dẫn chứng Thanh Hóa có dự án quốc lộ 1 A. ĐB Lê Việt Trường thì nêu ở An Giang, quốc lộ 91 đang dở dang. ĐB Trịnh Ngọc Thạch nói Hà Nội có dự án Đại học Quốc gia giao đất từ năm 2002 mà nay vẫn chưa có đủ vốn để làm…

Nhìn nhận trung dung hơn, ĐB Nguyễn Ngọc Bảo, Vĩnh Phúc cho rằng: “Chúng ta không thể cứng nhắc trong 5 năm mà không thay đổi gì. Nhưng thay đổi thì phải cân nhắc, lựa chọn. Chỉ nên duyệt những dự án mang tính quốc gia, đột phá, như một đòn bẩy kéo nền kinh tế lên, đó là cái cấp thiết nhất”.

Không có xin - cho

Bộ trưởng KHĐT Bùi Quang Vinh giải trình về lý do “xuất hiện” thêm 5 dự án này.

Ông cho biết, 5 dự án mới bổ sung sẽ được cấp vốn từ khoản 13.000 tỷ đồng dự phòng, vẫn nằm trong giới hạn 225.000 tỷ đồng đã chốt cả giai đoạn. Việc bố trí vốn cho các dự án mới sẽ vẫn nằm trong phạm vi phân bổ vốn cho tỉnh của cả giai đoạn. Nếu không có dự án mới bổ sung này thì tỉnh vẫn được cấp vốn như vậy.

Hơn nữa, 5 dự án này đều đã có chủ trương được Quốc hội thông qua rải rác ở các kỳ họp. Tuy nhiên, khi sắp xếp danh mục dự án thì lại chưa đủ điều kiện để đưa vào, như chưa lập dự toán, chưa có bản thiết kế..., hoặc do địa phương bỏ sót trong quá trình tổng hợp.

Ông Vinh khẳng định: “Đặc biệt, không hề có chuyện xin - cho. Còn danh mục tên dự án cụ thể, chọn dự án nào, vốn bao nhiêu là địa phương và các bộ quản lý chuyên ngành đảm nhiệm trình. Bộ KHĐT không có quyền chọn cụ thể dự án nào và phân vốn bao nhiêu”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kết luận, cho tới thời điểm này thì chưa có căn cứ nào để thay đổi việc khoanh vốn TPCP này, nếu có sửa đổi, bổ sung gì thì cũng chỉ được phép trong 225.000 tỷ đồng.

Khi phân tích vào 5 dự án cụ thể, ông Hùng bày tỏ quan điểm rằng, những loại công trình như thế có thể bổ sung được. Tuy nhiên, các cơ quan của Chính phủ, của Quốc hội phải nhận nhận khuyết điểm trước toàn Quốc hội về việc làm Nghị quyết trước đây nhưng danh mục lại bám theo danh mục trước.

Phạm Huyền

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,053

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079