Xử vi phạm bản quyền với xuất bản phẩm điện tử

19/06/2012 08:26 AM

- ĐBQH cho rằng đối với xuất bản phẩm điện tử, sách điện tử cũng cần quy định phải có giấy phép xuất bản như một xuất bản phẩm bình thường. Phải có các biện pháp chế tài xử lý các vi phạm bản quyền.

Tại phiên thảo luận về dự án Luật xuất bản sáng 18/6, ĐBQH phản ánh thực trạng tình hình in hiện nay đang diễn ra rất phức tạp, khó kiểm soát, dẫn đến tình hình in lậu, in giả xảy ra phổ biến và đang có nguy cơ làm yếu ngành xuất bản, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Lỗ hổng

Thảo luận về thực trạng này, ĐB Lê Ngọc Hoàn (Nam Định) cho rằng hiện nay, do các quy định về thành lập cơ sở in rất thông thoáng, dễ dàng nên số lượng các cơ sở in tăng nhanh, dẫn đến nguồn cung vượt cầu, thị trường in cạnh tranh gay gắt.

Mặt khác, Nhà nước lại chưa có chế định để quản lý một cách hữu hiệu nên in lậu, in giấy tờ giả quản lý nhà nước gia tăng, khó kiểm soát và đang trở thành vấn nạn của xã hội, đang có nguy cơ giết chết ngành sản xuất chân chính, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Không những thế, vấn nạn này còn tiếp tay, cho không ít người gian dối về trình độ học vấn bằng hình thức sử dụng bằng cấp giả, lừa gạt, chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân bằng các giấy tờ quản lý Nhà nước giả như sổ đỏ giả, giấy chứng nhận quyền sở hữu đất giả, trái phiếu, giấy tờ có giá, hóa đơn tài chính giả, bao bì, nhãn mác giả, đặc biệt là các bao bì dược phẩm giả đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.

ĐB Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) cho hay, theo tờ trình Chính phủ từ những trước năm 2004 có 160 cơ sở in công nghiệp nhưng đến nay đã có 1.500 cơ sở in công nghiệp lớn và nhỏ. Trong khi đó chỉ có khoảng 400 cơ sở in chịu sự điều chỉnh của luật Xuất bản và Nghị định số 105 của Chính phủ, còn lại 1.100 cơ sở in không chịu một sự điều chỉnh của pháp luật trong ngành in.

Như vậy, về mặt pháp luật đối với hoạt động chuyên ngành in đang có một lỗ hổng rất lớn mà không quản lý được việc thành lập cũng như hoạt động khoảng 70% các cơ sở in hiện có trên cả nước.

Từ đó đã dẫn đến một thực trạng hiện nay in lậu, in giả các xuất bản phẩm diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương, thậm chí có nơi in cả các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, in cả bằng lái xe, các chứng chỉ hành nghề và một vài tài liệu quan trọng khác.

Ảnh: Minh Thăng

Nhưng, theo ĐB, việc phát hiện và xử lý các vi phạm này chưa nhiều, chế tài áp dụng chưa đủ mạnh, công tác xử lý chưa triệt để, chưa nghiêm khắc. Trong năm 2009, 2010 một số các vụ in lậu, in giả bị phát hiện nhưng chủ yếu là bị xử phạt hành chính, có 1-2 vụ bị xử lý hình sự nhưng mức án còn nhẹ bởi vì khung hình phạt quy định đối với tội danh này còn thấp chưa đủ sức răn đe.

Xuất bản phẩm điện tử

Nhiều ĐBQH coi xuất bản phẩm điện tử là một hình thái mới của hoạt động xuất bản với nhiều tiện ích và tinh tế sắp bùng phát trong tương lai, vì vậy cần có khung pháp lý đặc thù.

ĐB Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) cho rằng phương tiện truy cập như máy xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh rất phong phú và ngày càng rẻ đi thì việc kiểm soát nội dung theo phương pháp duyệt xuất bản truyền thống sẽ không còn nhiều tác dụng, dẫn đến các xuất bản phẩm với những nội dung không phù hợp sẽ dễ dàng được phát tán nhanh chóng, rộng rãi. Kèm theo đó là những ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức xã hội, đặc biệt trong việc định hướng tư tưởng, nhận thức cho giới trẻ.

ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng những đề cập trong xuất bản phẩm điện tử trong dự thảo đề cập khá sơ sài. Ở điều 25 quy định chung chung và giao trách nhiệm cho Chính phủ.

Trong khi hiện tại lĩnh vực này chưa hề được kiểm soát và trong thực tế có rất nhiều sách được chuyển đổi từ xuất bản phẩm in sang xuất bản phẩm điện tử đều không có bản quyền. Với đà phát triển như thế này, nếu không có biện pháp xử lý và không có chế tài thì loại hình xuất bản phẩm này sẽ dẫn đến nguy cơ biến tướng rất khó lường.

Sách in lậu cũng có thể giải quyết và thu hồi được vì sách vẫn phải được bán ra thị trường nên chỉ là cạnh tranh về giá cả, chất lượng, mẫu mã in còn với sách điện tử sao chép lậu thì chưa có chế tài, trong khi đó lại là sự vi phạm bản quyền nghiêm trọng và ảnh hưởng tới hoạt động của thị trường xuất bản phát hành sách, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp sách.

ĐB Nguyễn Văn Minh (TP HCM) cho rằng đối với xuất bản phẩm điện tử, sách điện tử cũng cần quy định phải có giấy phép xuất bản như một xuất bản phẩm bình thường và phải có các biện pháp chế tài xử lý các vi phạm bản quyền.

Linh Thư

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,429

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079