1. Cách tỉnh lấy mẫu xét nghiệm, giám sát sức khoẻ người về từ Cẩm Giàng, Hải Dương
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 vừa có công văn hỏa tốc gửi UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương về việc tích cực rà soát, lấy mẫu xét nghiệm, giám sát sức khỏe người về từ huyện Cẩm Giàng, Hải Dương.
Công văn nêu rõ, thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Quốc gia, trong thời gian tháng 01 năm 2021 đã ghi nhận một số ca bệnh COVID-19 ở một số địa phương, trong đó có ca bệnh tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương đã đi lại tiếp xúc với người dân của một số địa phương khác.
Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, chủng vi rút SARS-CoV-2 phát hiện tại Hải Dương là biến chủng mới có khả năng gây bệnh và lây lan rất nhanh. Để chủ động kiểm soát tốt ổ dịch, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh, không để lây lan rộng trong cộng đồng; Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng yêu cầu:
“Người dân đã từng đi, đến, về từ huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương trong thời gian từ ngày 15/01/2021 đến nay chủ động liên hệ với Trạm Y tế xã, phường hoặc cơ sở y tế gần nhất nơi đang lưu trú tại địa phương để khai báo y tế, hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 và giám sát sức khỏe”.
Tích cực rà soát, lấy mẫu xét nghiệm, giám sát sức khỏe người về từ huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Ảnh minh họa.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cũng đề nghị tổ chức việc tiếp nhận thông tin của người dân; tích cực rà soát, lấy mẫu bệnh phẩm và thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 cho những người về tử huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương và các thành viên sống trong cùng gia đình một cách triệt để, giám sát sức khỏe theo quy định.
Khẩn trương tổ chức truy vết, điều tra, xử lý ổ dịch ngay khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh COVID-19 và báo cáo kịp thời về Bộ Y tế (Cơ quan thưởng trực Ban Chỉ đạo Quốc gia) theo quy định.
Ban Chỉ đạo Quốc gia đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm và chỉ đạo triển khai thực hiện.
Theo Báo Sức khỏe và Đời sống
2. Bắc Giang sẽ cách ly tập trung tất cả những người từ TP.HCM về ăn Tết từ 07/2
Tỉnh Bắc Giang sẽ lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tập trung đối với người từ TP.HCM về ăn Tết từ ngày 7-2 để phòng chống dịch COVID-19.
Ngày 9-2, tỉnh Bắc Giang có công điện khẩn gửi các sở, cơ quan, ban ngành và các huyện, thành phố về việc tăng cường áp dụng biện pháp phòng chống COVID-19 đối với người từ TP.HCM, Hà Nội và các địa phương khác.
Diễn biến mới của ổ dịch tại TP.HCM và Hà Nội cho thấy có nguy cơ dịch bệnh đang ở mức cao. Trong khi đó, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu có lượng lớn học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động... từ TP.HCM và Hà Nội về địa phương ăn tết.
Để đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương yêu cầu các cơ quan ban ngành, các huyện, thành phố chỉ đạo rà soát toàn bộ người từ TP.HCM về từ ngày 7-2 trở lại đây, thực hiện cách ly tập trung 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm.
Thực hiện cách ly tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm đối với những người trở về từ ngày 24-1 đến 6-2.
Đối với người từ Hà Nội và các địa phương khác trở về tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch của trung ương, tỉnh, Sở Y tế và theo hướng dẫn tạm thời biện pháp phòng chống dịch đối với người từ các tỉnh thành khác về Bắc Giang được cập nhật tại đây.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cũng yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể tỉnh, chủ tịch UBND các huyện và thành phố quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị thực hiện nghiêm việc không tổ chức đoàn đi chúc Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Nguồn: Tuổi trẻ
3. Quảng Nam bắt buộc tất cả người dân các nơi về khai báo y tế
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh vừa có ý kiến chỉ đạo về giám sát, cách ly, theo dõi, khai báo y tế để phòng, chống dịch COVID-19, các trường hợp về từ các địa phương.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu tất cả mọi người dân về Quảng Nam (kể cả người Quảng Nam ở các địa phương khác về quê) bắt buộc khai báo y tế, cài đặt Bluzone, bản thân và gia đình phải có cam kết và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về tính trung thực trong khai báo y tế.
Về giám sát, cách ly, theo dõi y tế các trường hợp về từ các địa phương, Quảng Nam sẽ thực hiện cách ly y tế tập trung 14 ngày (kể từ ngày cuối cùng tiếp xúc với F0/ ngày cuối cùng đến/ở/về từ các địa điểm) và lấy mẫu xét nghiệm 2 lần (lần 1 vào ngày bắt đầu cách ly, lần 2 vào ngày kết thúc cách ly) 3 nhóm:
- Các trường hợp tiếp xúc gần với ca dương tính với SARS-CoV-2 (F1);
- Người có đến/ở/về từ các địa điểm, mốc thời gian theo thông báo khẩn của Bộ Y tế, của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam và CDC các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Người đến/ở/về từ các xã, phường, thị trấn của TP.HCM có ca dương tính.
Cách ly y tế tại nhà/nơi lưu trú 14 ngày (kể từ ngày cuối cùng tiếp xúc với F1/ngày cuối cùng đến/ở/về từ các địa điểm):
- Các trường hợp tiếp xúc gần với F1 (F2). Nếu kết quả xét nghiệm PCR của F1 âm tính thì F2 liên quan được kết thúc việc cách ly và chuyển về trạng thái tự theo dõi sức khỏe.
- Người đến/ở/về từ tỉnh Hải Dương (trừ các địa điểm, mốc thời gian theo thông báo khẩn của Bộ Y tế) chưa qua 14 ngày;
- Người đến/ở/về từ các quận, huyện của TP.HCM có ca dương tính với (trừ các trương hợp cách ly tập trung);
- Người đến/ở/về từ các xã, phường, thị trấn có ca dương tính của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ các trường hợp đến/ở/về từ các xã, phường, thị trấn của TP.HCM có ca dương tính và từ các địa điểm, mốc thời gian theo thông báo khẩn của Bộ Y tế, của CDC Quảng Nam và CDC các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
Những người không thuộc các trường hợp nên trên khi trở về địa phương phải thực hiện nghiêm khai báo y tế, tự theo dõi sức khỏe. Trong khoảng thời gian cách ly/theo dõi sức khỏe yêu cầu nghiêm túc thực hiện 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế), hạn chế di chuyển.
Tất cả các trường hợp nhập cảnh trái phép sẽ được đưa vào cách ly tập trung đủ 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm 2 lần (lần 1 vào ngày bắt đầu cách ly, lần 2 vào ngày kết thúc cách ly).
Xe khách liên tỉnh qua Quảng Nam phải đi vào đường cao tốc
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết trước mắt, chưa tổ chức các điểm chốt chặn nhưng đã chuẩn bị phương án sẵn sàng triển khai khi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cần thiết sẽ chốt chặn tại các địa bàn xung yếu.
Đồng thời tăng cường hoạt động của các tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 cộng đồng.
Đối với các tuyến xe khách liên tỉnh, đặc biệt tuyến từ Hà Nội, TP.HCM và Gia Lai đi qua địa bàn tỉnh Quảng Nam bắt buộc phải đi vào đường cao tốc.
Nguồn: Tuổi trẻ
4. Đắk Nông cách ly 14 ngày những người từ HCM trở về từ 09/02/2021
Ngày 09/02/2021, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Công văn 751/UBND-KGVX triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, UBND triển khai thực hiện việc phòng, chống Covid-19 với những nội dung sau:
- Đẩy mạnh triển khai thực hiện yêu cầu 5K, trước hết là đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, khai báo y tế, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Tiến hành cách ly tại nhà đối với tất cả các trường hợp người dân trở về/đến từ Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 09/02/2021, thời gian cách ly tối đa 14 ngày. Các trường khác liên quan đến các ổ dịch thực hiện cách ly y tế đúng theo quy định.
Xem chi tiết Tại đây.
5. Người từ vùng dịch TP.HCM, Bình Dương về Quảng Trị sẽ bị cách ly tại nhà
Nhà chức trách Quảng Trị đã yêu cầu thời áp dụng biện pháp cách ly tại nhà để quản lý, giám sát y tế và lấy mẫu xét nghiệm đối với tất cả người đến hoặc trở về từ vùng dịch của TP.HCM và Bình Dương...
Ngày 9.2, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Trị vừa có công văn khẩn gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh này và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện, thị xã, thành phố, hướng dẫn tạm thời phòng chống dịch với người về từ TP.HCM và Bình Dương.
Ban chỉ đạo tỉnh Quảng Trị đánh giá hiện nay, tình hình dịch Covid-19 tại TP HCM đang có diễn biến phức tạp và được nhận định là ổ dịch mới, chưa xác định chính xác nguồn lây nhiễm. Theo ban này, từ ngày 25.1 đến ngày 8.2, tỉnh Quảng Trị đã ghi nhận trên 6.500 người trở về từ TP.HCM và Bình Dương, dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian cận Tết Nguyên đán.
Nguồn: Thanh niên
6. Huế cách ly tập trung 21 ngày với người về từ điểm dịch, gồm TP.HCM
Những người đến Thừa Thiên Huế từ các điểm, phường, xã, thị trấn có dịch ở TP.HCM, Gia Lai, Bình Dương sẽ được cách ly tập trung 21 ngày. Còn tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa quyết định cách ly người dân từ TP.HCM về quê.
Tối 8-2, Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ ngày 9-2, tỉnh sẽ tổ chức cách ly tập trung 21 ngày, và lấy mẫu xét nghiệm PCR đối với tất cả công dân đến từ các xã phường, thị trấn có dịch của TP.HCM, Gia Lai, Bình Dương được Bộ Y tế công bố, cập nhật khi về tỉnh.
Những người đến từ các phường, xã, thị trấn có điểm dịch, vùng dịch được Bộ Y tế công bố ở Gia Lai, Bình Dương, TP.HCM sẽ được tổ chức cách ly tập trung tại khu T3 ở xã Phú Thượng, huyện Phú Vang. Khu cách ly này do Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý.
Các công dân cách ly sẽ được hưởng chế độ ăn ngày 80.000 đồng.
Trước đó, những người từ Quảng Ninh, Hải Dương, các phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội đã được Bộ Y tế công bố có điểm dịch khi về Thừa Thiên Huế đều phải cách ly tập trung 21 ngày, lấy mẫu xét nghiệm PCR.
Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu tất cả công dân đến Thừa Thiên Huế phải khai báo y tế. 4 chốt kiểm soát y tế được đặt ở sân bay Phú Bài, ga Huế, bến xe phía bắc, bến xe phía nam. Trạm y tế các xã phường cũng được kích hoạt để tiếp nhận kê khai y tế từ người dân.
Tối 8-2, sau khi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công bố công văn cách ly tập trung người dân đến từ các phường, xã, thị trấn được xác định là điểm dịch ở TP.HCM, nhiều lao động Thừa Thiên Huế đang làm việc tại TP.HCM đã quyết định hủy vé, quyết định ở lại TP.HCM đón Tết.
Anh Hồ Văn Phong (quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết dự kiến ngày 10-2, anh và vợ con sẽ về Huế đón Tết cùng gia đình. Tuy nhiên dịch ở TP.HCM đang phức tạp, nên anh đã quyết định hủy vé, ở lại đón Tết xa quê.
"Hai vợ chồng quyết định ăn Tết xa quê một năm, để khỏi ảnh hưởng đến gia đình nội ngoại và hàng xóm. Dịch không trừ ai, nên mình không thể chủ quan, đặc biệt từ TP.HCM ra quê", anh Phong cho biết.
Cũng trong tối 8-2, ông Đặng Văn Minh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ở TP.HCM, UBND tỉnh này đã họp khẩn, theo dõi sát tình hình. Hiện tỉnh chưa tính đến phương án cách ly tập trung những người ở TP.HCM về. Tuy nhiên, sẽ tiến hành khám sàng lọc những người từ TP.HCM về. Nếu có biểu hiện bất thường sẽ đưa vào khu cách ly tập trung.
Theo ông Minh, hiện tại chống dịch đặt cao hơn cả lo Tết. Mọi người từ TP.HCM và vùng có dịch về phải chủ động liên hệ với cơ quan y tế khai báo rõ ràng, để tiện theo dõi và thực hiện can thiệp y tế khi cần.
"Tỉnh không ngăn bà con sau một năm mưu sinh xa xứ về quê đón Tết đoàn viên. Tuy nhiên, tỉnh cũng mong bà con hợp tác, thành thật, khai báo trung thực để cùng cả nước chống dịch", ông Minh nói.
Nói về phương án cách ly những người trở về từ quận, huyện đang có dịch, ông Minh cho biết tỉnh đang tính toán và sẽ ra thông báo trong phiên họp sáng mai 9-2.
"Hiện không thể thực hiện cách ly tập trung toàn bộ người dân từ TP.HCM về, nhưng sẽ tính toán cách ly người dân từ một số điểm có nguy cơ cao. Nếu lên phương án này, tỉnh mong bà con trung thực khai báo, không giấu giếm nếu sinh sống ở khu vực có dịch. Bởi nếu xảy ra chuyện lây bệnh trong cộng đồng, người gian dối sẽ bị xử lý hình sự", ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, người Quảng Ngãi lao động tại TP.HCM lên đến hàng trăm nghìn người. Trong diễn biến dịch bệnh, tỉnh mong người dân ở đâu ở yên chỗ đó, góp sức cùng cả nước chống dịch. "Con tôi đang ở TP.HCM, Tết này cũng không về. Cháu nói muốn cùng cả nước sớm kiểm soát dịch bệnh", ông Minh nói.
Nguồn: Tuổi trẻ
CẬP NHẬT NGÀY 15/2/2021: Xét nghiệm Covid-19 ngẫu nhiên người về Huế ăn Tết
Sáng 15/2 (mùng 4 Tết), người dân từ TP HCM, Hà Nội về Huế đã được xét nghiệm PCR ngẫu nhiên.
Đảm bảo ngăn chặn, phát hiện sớm Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ yêu cầu trung tâm y tế 9 huyện, thành phố đồng loạt lấy mẫu xét nghiệm PCR những người có yếu tố dịch tễ với quy mô 10.000 mẫu.
Người trở về từ các địa phương có dịch chưa qua 14 ngày, đội ngũ tình nguyện viên, lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch và người dân ở các nơi tiếp xúc nhiều người ngoại tỉnh qua lại được ưu tiên trước.
7. Đắk LắK: Người dân từ Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai... về phải cách ly tại nhà
Ngày 9/2, bà H'Yim Kđoh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký công văn tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 dịp Tết Nguyên đán Tân sửu 2021 trên địa bàn.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các trường hợp từ tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai và các địa bàn bị phong tỏa (theo công bố của Bộ Y tế) tại tỉnh Bình Dương, TP Hà Nội và TP HCM về địa bàn phải thực hiện khai báo y tế và thực hiện nghiêm cách ly tại nhà 14 ngày.
Riêng đối với khu vực không bị phong tỏa của TP HCM, Bình Dương, TP Hà Nội và các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh người dân phải thực hiện khai báo bắt buộc; hạn chế tối đa đi lại và tiếp xúc; bắt buộc cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone; thực hiện nghiêm thông điệp 5K và thường xuyên theo dõi thông tin diễn biến dịch để chủ động liên hệ với ngành Y tế khi phát hiện có tiếp xúc gần với các ca bệnh được khuyến cáo.
UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo dừng hoạt động tập trung đông người trong không gian kín như: hoạt động tôn giáo, đám cưới, liên hoan, tất niên, tân gia, sinh nhật, hội nghị... có trên 20 người tham dự đến khi có thông báo mới.
Vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, công nhân viên lựa chọn phương án đón Tết tại địa phương nơi làm việc; hạn chế di chuyển để góp phần kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Nguồn: Dân trí
Tiếp tục cập nhật…