Quyết định 1022 nêu rõ: Bổ sung 7.650,776 tỷ đồng cho Bộ Y tế để mua và sử dụng 61 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 do AstraZeneca sản xuất của Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam (30 triệu liều) và do Pfizer sản xuất (31 triệu liều) như đề nghị của Bộ Tài chính và Bộ Y tế. Trong đó:
- 5.100,517 tỷ đồng bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 của Bộ Y tế từ nguồn kinh phí 12.100 tỷ đồng tiết kiệm chi năm 2020 chuyển nguồn sang năm 2021 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tại Nghị quyết 1271/NQ-UBTVQH14 ngày 18/5/2021;
- 2.550,259 tỷ đồng chi từ nguồn Quỹ vắc xin phòng COVID-19 Việt Nam thành lập theo Quyết định 779/QĐ-TTg ngày 26/5/2021.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đồng ý sử dụng 37 tỷ đồng trong tổng số 1.237 tỷ đồng đã bổ sung cho Bộ Y tế theo Quyết định 507/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 để chi đối ứng cho việc tiếp nhận, vận chuyển, phân phối, thuê kho bảo quản vắc xin, mua vật tư tiêm chủng cho các lô vắc xin phòng COVID-19 do COVAX Facility hỗ trợ, vắc xin viện trợ, tài trợ của nước ngoài.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Y tế chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về tài sản công và các quy định của pháp luật có liên quan; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả sử dụng số kinh phí được bổ sung nêu trên.
Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được bổ sung bảo đảm đúng quy định, công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.
Quyết định 1022/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
Châu Thanh