Trong bản án, chủ tọa Nguyễn Đức Hùng cho biết rằng trong quá trình
tiến hành thẩm vấn, tranh luận tại tòa, bị cáo Lê Bá Mai vẫn khai mình
không phạm tội và bị dụ cung, mớm cung… Luật sư Trịnh Thanh và luật sư
Bùi Quang Nghiêm cho rằng quá trình điều tra có nhiều sai sót, vi phạm
tố tụng và thân chủ của họ không liên quan đến vụ án.
Tuy nhiên, HĐXX xét thấy những lập luận, bào chữa của bị cáo và
luật sư đều không có cơ sở. Quá trình tiến hành điều tra, xét xử vụ án
có sai sót nhưng không làm ảnh hưởng đến bản chất của vụ án là Lê Bá Mai
chính là người chở nạn nhân Thị Út đi.
Sau đó, Mai đã thực hiện hành vi hiếp dâm rồi giết chết Thị Út để
phi tang. “Hành vi giết người, hiếp dâm trẻ em đã gây ra sự phẫn nộ tại
nhân dân địa phương, tại phiên tòa bị cáo Mai vẫn quanh co chối tội,
không thành khẩn”, chủ tọa Nguyễn Đức Hùng nhận định.
Sau 8 năm kéo dài vụ án, Lê Bá Mai bị tuyên án chung thân
HĐXX cấp sơ thẩm TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên phạt bị cáo Lê Bá Mai
18 năm tù về tội “hiếp dâm trẻ em”, tù chung thân về tội “Giết người”.
Tổng hợp hình phạt về 2 tội danh trên mà Lê Bá Mai phải thi hành là tù
chung thân. Ngoài ra, HĐXX còn buộc bị cáo Lê Bá Mai phải bồi thường cho
gia đình bị hại Thị Út số tiền 81 triệu đồng.
Trước đó, trong phiên tòa xét xử ngày 3/1, đại diện VKSND tỉnh Bình
Phước đề nghị HĐXX tuyên phạt Lê Bá Mai án tử hình về cả 2 tội danh giết
người và hiếp dâm trẻ em.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Bình Phước, sáng 12/11/2004, Lê Bá
Mai thấy bé Thị Út (11 tuổi, ngụ xã An Khương, huyện Hớn Quảng, tỉnh
Bình Phước) và chị họ đang mót sắn gần nơi Mai làm nên nảy sinh ý định
giao cấu. Mai lấy xe máy chạy đến rủ Út đến khu vườn mít ở gần đó rồi
dùng tay đánh vào gáy Út bất tỉnh để hiếp dâm. Thực hiện xong hành vi
đồi bại, Mai thấy Út còn sống và sợ bị tố cáo nên lấy quần của nạn nhân
siết cổ Út đến chết.
Biết Út đã chết, Mai vùi xác vào một cây mít và trở về chòi tắm
rửa, ăn cơm như không có chuyện gì xảy ra. Đến ngày 16/11/2004, người
thân của Út phát hiện thi thể Út trong vườn mít (thuộc trang trại của
ông Dương Bá Tuân) trong tình trạng không mặc quần, xác đã phân hủy.
Theo lời khai của nhân chứng, cơ quan công an đã bắt Lê Bá Mai về 2 tội:
“Hiếp dâm trẻ em” và “Giết người”.
Số phận của Mai đã bị pháp luật định đoạt
Ngày 16/3/2005, TAND tỉnh Bình Phước đưa vụ án ra xét xử và tuyên
tử hình Lê Bá Mai về tội “giết người” và “hiếp dâm trẻ em”. Ngày
4/8/2005, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã tuyên giữ nguyên án tử
hình. Ngày 12/12/2006, Viện trưởng VKSND Tối cao có quyết định kháng
nghị giám đốc thẩm hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm.
Ngày 5/2/2007, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục
giám đốc thẩm đã chấp nhận kháng nghị, hủy 2 bản án để điều tra lại theo
quy định pháp luật. Tháng 7/2010, TAND tỉnh Bình Phước xử sơ thẩm lần
2, tòa tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Ngày 18/5/2011, TAND tỉnh
Bình Phước mở phiên xử sơ thẩm lần 3 và tuyên Lê Bá Mai “không phạm tội,
trả tự do ngay tại phiên tòa”.
Tháng 6/2011, Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước ra quyết định kháng
nghị yêu cầu Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm theo
hướng “hủy toàn bộ bản án sơ thẩm (lần 3) của TAND tỉnh Bình Phước để
xét xử lại theo hướng bị cáo Lê Bá Mai phạm 2 tội “hiếp dâm trẻ em” và
“giết người” như VKSND tỉnh Bình Phước truy tố”.
Ngày 20/4/2012, cha ruột Lê Bá Mai là ông Lê Bá Triệu đã có văn bản
gửi TAND Tối cao khiếu nại về việc chậm đưa vụ án Lê Bá Mai ra xét xử
phúc thẩm. Chiều 18/5/2012, Công an tỉnh Bình Phước đã bắt tạm giam trở
lại đối với Lê Bá Mai. Ngày 19/6/2012, phiên tòa phúc thẩm lần 2 được mở
và tuyên hủy án sơ thẩm lần 3, trả hồ sơ xét xử lại từ đầu.
Trong các ngày 5-6, 12/12/2012, phiên tòa sơ thẩm lần 4 được đưa ra
xét xử nhưng phải tạm hoãn vì nhiều lý do khác nhau. Đến ngày
3-4/1/2013, phiên tòa sơ thẩm này mới được mở lại. Ngày 5/1/2013, TAND
tỉnh Bình Phước tuyên phạt Lê Bá Mai án tù chung thân.
Công Quang
Theo Dân trí
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN