Chế tài không phụ thuộc vào tài sản bị mất cắp
Theo dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang xây dựng thì hành vi “hôi của" tại các vụ tai nạn giao thông sẽ bị phạt với mức từ 5- 7 triệu đồng. Như vậy, đây là hành vi vi phạm mà lần đầu tiên được đưa vào văn bản pháp luật để xử lý dù chế tài chưa hẳn đã làm nhiều người sợ đến mức “tiệt nòi chôm chỉa”.
Một điều đáng nói, từ rất lâu rồi, trên mỗi cung đường từ Bắc tới Nam đã diễn ra cảnh thờ ơ, vô cảm của không ít người khi chứng kiến cảnh tai nạn giao thông. Thấy người bị nạn đang trong ranh giới mỏng manh giữa sự sống và cái chết, không những không động lòng trắc ẩn, cứu người, cứu tài sản mà họ còn có thái độ và hành vi trái đạo đức, vi phạm pháp luật theo kiểu “sống chết mặc bay, tiền người bỏ túi”.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc dự thảo Nghị định đưa ra chế tài xử phạt hành vi này là quá muộn, lẽ ra nó phải được điều chỉnh ngay từ năm 2007, khi Chính phủ ban hành Nghị định 146/2007/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Nhưng rồi đến năm 2010 và 2011, khi Nghị định 34/2010/NĐ-CP và 71/2012/NĐ-CP ra đời thay thế cho Nghị định 146, hành vi này vẫn ngoài tầm kiểm soát.
Với mức chế tài từ 5-7 triệu đồng, nhiều ý kiến cũng băn khoăn liệu có đảm bảo tính công bằng khi tài sản bị mất cắp trong các vụ tai nạn giao thông là không giống nhau.
Từ lập luận này, ý kiến trên cho rằng nên có khung chế tài “giãn” với hậu quả của từng hành vi vi phạm, hoặc mức chế tài phải tương ứng với trị giá của tài sản bị mất cắp. Chẳng hạn, hành vi “hôi của” mà tài sản chỉ là chiếc điện thoại trị giá vài trăm nghìn đồng thì mức chế tài phải khác với tài sản là những thùng hàng trị giá hàng triệu thậm chí hàng chục triệu đồng.
Đối lập với quan điểm này, ý kiến khác lại dứt khoát: Đã là hành vi “hôi của” của người bị nạn thì phải xử thật nghiêm. Bởi hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn chà đạp lên đạo lý tương thân tương ái của dân tộc Việt. Vì thế, bất kể là tài sản có giá trị hay không thì đều phải chịu sự trừng trị nghiêm minh của pháp luật (chế tài nặng là nhằm “đánh” vào ý thức của người tham gia giao thông). Theo đó, mức chế tài từ 5-7 triệu đồng mà dự thảo đề xuất vẫn còn nhẹ và chưa đủ sức răn đe.
Cần chế tài đủ mạnh
Cũng theo dự thảo, người điều khiển, người ngồi trên xe máy (kể cả xe máy điện) nếu gây tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn… sẽ bị phạt 2-3 triệu đồng.
Trường hợp người điều khiển, người ngồi trên ôtô mà có hành vi trên thì mức phạt sẽ tăng lên 4-6 triệu đồng. Tương tự, phạt tiền 2- 4 triệu đồng đối với cá nhân, 4- 8 triệu đồng đối với tổ chức nếu có hành vi cố ý thay đổi, xóa dấu vết hiện trường vụ tai nạn giao thông. Đây được xem là những hành vi vi phạm lần đầu được đưa vào nghị định để xử phạt hoặc đã bị nâng mức phạt so với các văn bản pháp luật trước đây.
Ngoài sự điều chỉnh trên, Bộ GTVT cũng đề xuất mức phạt 5-7 triệu đồng đối với người có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị nạn hoặc người gây tai nạn.
Mức phạt trên cũng được Bộ GTVT đề xuất áp dụng với hành vi ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác, đổ dầu nhờn hoặc các chất gây trơn khác trên đường bộ, chăng dây hoặc các vật cản khác qua đường gây nguy hiểm trực tiếp đến người và phương tiện tham gia giao thông...
Nếu thống kê các vụ tai nạn giao thông (có vụ đã gây chết người) trong cả nước liên quan đến hành vi rải đinh trên đường kể từ năm 2.000 (từ khi chúng ta mở thêm nhiều đại lộ và đường cao tốc) đến nay đã có con số hàng chục nghìn. Nhưng suốt cả thời gian dài, các cơ quan chức năng lại rất lúng túng trong việc áp dụng các quy định của pháp luật để xử lý hành vi vi phạm này.
Nhiều trường hợp, các cơ quan chức năng đã tốn kém, đầu tư không biết bao công sức mới mật phục và bắt được quả tang nhưng rồi thủ phạm sau đó cũng chỉ bị xử lý chiếu lệ hoặc “răn đe” vài câu rồi thả ra. Thả hôm trước thì hôm sau lại “ngựa quen đường cũ”, tái phạm như thường. Lý do là chế tài xử phạt chưa làm họ sợ.
Khi hậu quả của hành vi này có thể dẫn đến những tai nạn thương tâm, thậm chí gây tử vong thì Nghị định xử phạt cần phải có những khung chế tài tương xứng hơn. Có như vậy mới mong dẹp được nạn “đinh tặc” vẫn nhức nhối lâu nay.
Đông Quang
Theo Pháp luật VN