Có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề thông qua Thẻ học nghề cho NLĐ (Hình từ Internet)
Ngày 10/01/2023, Chính phủ thông qua Nghị quyết 06/NQ-CP về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội do Chính phủ ban hành.
Theo đó, đặt ra một số giải pháp nhằm phát triển thị trường, đơn cử như:
Chính phủ yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý, rà soát sửa đổi các quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường lao động đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, bao gồm:
- Tăng cường sự công khai, minh bạch của các chủ thể tham gia thị trường.
Tiếp tục nội luật hóa và quy định cụ thể các tiêu chuẩn lao động phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế (các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới) mà Việt Nam cam kết và phê chuẩn.
Thúc đẩy hợp tác quốc tế, tăng cường liên kết thị trường lao động trong và ngoài nước.
- Nghiên cứu, đề xuất ban hành, sửa đổi các chính sách để hạn chế thất nghiệp, nâng cao chất lượng lao động, gồm:
+ Bổ sung, hoàn thiện các chính sách mang tính chủ động, phòng ngừa thất nghiệp;
+ Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề thông qua Thẻ học nghề cho người lao động;
+ Quy định các chuẩn chuyên môn và điều kiện đảm bảo triển khai hiệu quả hoạt động đào tạo nghề tại doanh nghiệp.
- Quy hoạch, đầu tư phát triển hiện đại hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm ở các địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả đóng vai trò đầu mối thông tin thị trường lao động, điều phối, hỗ trợ và quản trị thị trường lao động trên địa bàn.
Sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; xây dựng, đề xuất mô hình liên kết vùng trong đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực; xây dựng các trung tâm vùng, trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao theo vùng kinh tế trọng điểm nhằm tăng cường hiệu quả đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực;
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực, quản trị, vận hành thị trường lao động và tháo gỡ khó khăn để tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận thông tin về thị trường lao động, tham gia học nghề và các hoạt động giao dịch việc làm, người sử dụng lao động dễ tiếp cận cung lao động…
Theo đó, tăng cường đầu tư, phát triển các ngành kinh tế tạo nhiều việc làm bền vững:
- Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển bền vững theo hướng nâng cao chất lượng, tạo nhiều việc làm mới có năng suất, chất lượng cao.
- Tăng cường đầu tư nguồn lực cho các chương trình, đề án tạo nhiều việc làm bền vững, nhất là việc làm năng suất cao;
Nghiên cứu đề xuất các chính sách để hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo tham gia thị trường lao động, có việc làm bền vững.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tăng hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ.
- Tăng cường các nguồn tín dụng để thúc đẩy tạo việc làm mới, sáng tạo, chất lượng cao, bền vững; việc làm xanh; việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội có đủ nguồn lực triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, góp phần phát triển thị trường lao động bền vững.
- Xây dựng bản đồ công nghiệp của Việt Nam để làm cơ sở xây dựng phương án cung ứng, phân bổ, sử dụng lao động trên toàn quốc, tận dụng hiệu quả nguồn lực lao động cho phát triển kinh tế - xã hội.
- Có chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình đăng ký thành lập và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp để thu hút, sử dụng lao động chính thức, chuyển dần lao động phi chính thức sang lao động chính thức.
Có chính sách hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm cho người lao động, cụ thể:
- Đa dạng hóa các gói dịch vụ an sinh xã hội cung cấp cho người lao động về hình thức, phương thức, mức đóng góp và mức hưởng thụ; đơn giản hóa thủ tục hành chính và xây dựng cơ chế cung cấp các hỗ trợ hành chính và pháp lý cần thiết cho người lao động tham gia các chương trình an sinh tự nguyện.
- Tổ chức cung cấp thông tin và dịch vụ tư vấn pháp lý cho người lao động khi tham gia thị trường lao động.
- Thúc đẩy và phát huy vai trò trung tâm của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong thu hút người lao động và tổ chức của người lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam, phát triển thành viên, nâng cao hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
- Tổ chức thực hiện các giải pháp để thu hút, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp,…cho người lao động;
Đổi mới chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tăng cường đào tạo và đào tạo lại cho người lao động để tham gia hiệu quả vào thị trường lao động; đơn giản hóa thủ tục hành chính và xây dựng cơ chế cung cấp hỗ trợ hành chính và pháp lý cần thiết cho người lao động tham gia các chương trình an sinh tự nguyện.
- Nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt của người lao động; đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người lao động; trước mắt tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà ở và hạ tầng xã hội khác cho người lao động, chính sách hỗ trợ tín dụng để giải quyết vấn đề về chỗ ở cho người lao động.
- Đẩy nhanh việc xây dựng, tích hợp hệ thống thông tin để xác định, định danh làm căn cứ hỗ trợ xã hội đối với người lao động thông qua xác định mã định danh công dân (thẻ Căn cước công dân).
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm quy định pháp luật về lao động, đặc biệt về ký kết hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội và các chế độ an sinh xã hội khác cho người lao động…
Xem thêm tại Nghị quyết 06/NQ-CP ngày 10/01/2023.