Chủ tịch nước làm Chủ tịch Hội đồng Tư pháp quốc gia (đề xuất)

02/03/2023 15:36 PM

Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Chủ tịch nước được đề xuất sẽ làm Chủ tịch Hội đồng Tư pháp quốc gia.

Chủ tịch nước làm Chủ tịch Hội đồng Tư pháp quốc gia (đề xuất)

Chủ tịch nước làm Chủ tịch Hội đồng Tư pháp quốc gia (đề xuất) (Hình từ Internet)

Tòa án nhân dân tối cao đang lấy ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Theo đó, đề xuất Chủ tịch nước làm Chủ tịch Hội đồng Tư pháp quốc gia.

Đề cương dự thảo Luật sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân

1. Đề xuất Chủ tịch nước làm Chủ tịch Hội đồng Tư pháp quốc gia

Theo Điều 22 đề cương dự thảo (sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 70 Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014), Hội đồng Tư pháp Quốc gia do Chủ tịch nước là Chủ tịch Hội đồng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là Phó Chủ tịch Hội đồng, các thành viên gồm đại diện lãnh đạo một số Uỷ ban của Quốc hội, Chính phủ, Ban Chấp hành Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chủ tịch nước giữ chức từ Thứ trưởng và tương đương trở lên.

(Hiện hành là Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là Chủ tịch.)

2. Chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Tư pháp Quốc gia

Điều 21 đề cương dự thảo quy định chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Tư pháp Quốc gia như sau:

- Xây dựng chiến lược phát triển Tòa án nhân dân;

- Xây dựng chế độ, chính sách cho Thẩm phán Tòa án nhân dân và các chức danh tư pháp khác trong Toà án;

- Xác định và đề xuất biên chế, ngân sách hàng năm cho Tòa án để báo cáo Quốc hội quyết định; giám sát việc Tòa án nhân dân tối cao phân bổ biên chế, kinh phí, nguồn lực cho các Toà án nhân dân;

- Xem xét tuyển chọn người đủ tiêu chuẩn, điều kiện làm Thẩm phán theo quy định của Luật này để đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao:

+ Trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

+ Trình Chủ tịch nước quyết định bổ nhiệm Thẩm phán các Tòa án khác.

- Xem xét việc miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sau khi được thông qua và có hiệu lực) và đề nghị:

+ Quốc hội phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

+ Chủ tịch nước quyết định miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán các Tòa án khác.

- Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, lối sống của Thẩm phán; việc khen thưởng, kỷ luật Thẩm phán.

- Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Thẩm phán.

3. Vai trò bổ nhiệm thẩm phán của Chủ tịch nước

Căn cứ Điều 88 đề cương dự thảo, ngạch, bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân được đề xuất quy định như sau:

- Ngạch Thẩm phán Tòa án nhân dân gồm:

+ Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

+ Thẩm phán;

+ Thẩm phán dự bị.

(Hiện hành, Thẩm phán Tòa án nhân dân gồm:

+ Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

+ Thẩm phán cao cấp;

+ Thẩm phán trung cấp;

+ Thẩm phán sơ cấp.)

- Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao do Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm theo đề nghị của Hội đồng Tư pháp Quốc gia;

- Thẩm phán do Chủ tịch nước bổ nhiệm theo đề nghị của Hội đồng Tư pháp Quốc gia.

- Thẩm phán dự bị do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức - cán bộ Tòa án nhân dân tối cao để tập làm các công việc của Thẩm phán trước khi được bổ nhiệm Thẩm phán.

- Thẩm phán bao gồm các bậc từ bậc 01 đến bậc 08.

- Tại Tòa án nhân dân tối cao có Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán; tại các Tòa án khác có Thẩm phán, Thẩm phán dự bị.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 1,946

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079