VKSND tối cao giải đáp 12 vướng mắc liên quan đến quy định của Bộ luật Hình sự 2015

10/06/2023 08:52 AM

Ngày 05/6/2023, VKSND tối cao ban hành Công văn 2160/VKSTC-V14 về giải đáp khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, thi hành tạm giữ và thi hành án hình sự.

VKSND tối cao giải đáp 12 vướng mắc liên quan đến quy định của Bộ luật Hình sự 2015

VKSND tối cao giải đáp 12 vướng mắc liên quan đến quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (Hình từ Internet)

VKSND tối cao giải đáp 12 vướng mắc liên quan đến quy định của Bộ luật Hình sự 2015

Theo đó, 12 khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của Bộ luật Hình sự 2015 được VKSND tối cao giải đáp như sau:

(1)

Vướng mắc: Xử lý như thế nào đối với phương tiện, công cụ phạm tội trong 02 trường hợp: (1) phương tiện, công cụ phạm tội là tài sản của người phạm tội đang thế chấp tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng; (2) phương tiện, công cụ phạm tội là tài sản được hình thành từ nguồn vốn tài sản chung của vợ chồng?

Trả lời:

- Theo quy định tại khoản 9 Điều 21 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ: “Trường hợp tài sản bảo đảm bị tiêu hủy, bị tổn thất toàn bộ hoặc bị phá dỡ, bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được xác định là không còn tài sản bảo đảm…”. 

Và quy định tại khoản 3 Điều 49 Nghị định 21/2021/NĐ-CP nêu trên thì “Trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định tài sản đang dùng để bảo đảm phải xử lý để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác thì tài sản này được xử lý theo quy định đó”. 

Như vậy, trường hợp bị can sử dụng tài sản đang thế chấp tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng vào việc phạm tội thì việc xử lý tài sản thực hiện theo quy định Điều 47 Bộ luật Hình sự 2015, điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 tức là bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy. 

Quyền lợi của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng được giải quyết theo quy định về khởi kiện vụ án dân sự.

- Khoản 3 Điều 47 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: “Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu”. 

Do vậy, trường hợp phương tiện, công cụ phạm tội được hình thành từ nguồn vốn tài sản chung của vợ chồng thì tùy từng trường hợp, nếu xác định được vợ/chồng có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm (như biết rõ mà vẫn đồng ý hoặc cho phép) thì phương tiện, công cụ phạm tội đó có thể bị tịch thu toàn bộ; 

Nếu xác định vợ/chồng không có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm (như không biết việc chồng/vợ sử dụng vào việc phạm tội sử dụng vào việc phạm tội) thì có thể không tịch thu phần giá trị tài sản thuộc sở hữu của vợ chồng.

(2)

Vướng mắc: Trong khoảng thời gian 21 giờ ngày 01/01/2020, A đã có hành vi dùng vũ lực, đe dọa và thực hiện hành vi hiếp dâm đối với bà B tại nhà bà B. Trong khoảng thời gian 10 giờ ngày 03/02/2020, A lại có hành vi hiếp dâm đối với bà C tại nhà bà C. Có áp dụng tình tiết “đối với 02 người trở lên” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015 để xử lý A hay không?

Trả lời:

Tình tiết “đối với 02 người trở lên” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015 được hiểu là trong một lần thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội đối với 02 người trở lên. 

Theo đó, đối với trường hợp trên, hành vi phạm tội thực hiện ở 02 địa điểm khác nhau và thời gian thực hiện hành vi tại mỗi địa điểm cách xa nhau (01 tháng 02 ngày) thì không thuộc trường hợp phạm tội “đối với 02 người trở lên” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015;

Mà thuộc trường hợp “phạm tội 02 lần trở lên” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015, nếu trong các lần đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

(3) 

Vướng mắc: Anh A và chị B chung sống với nhau như vợ chồng đã có con chung, được gia đình, dòng họ hai bên, hàng xóm xác nhận là vợ chồng. A có hành vi hiếp dâm bà C (mẹ ruột của chị B). Vậy có căn cứ để xử lý A về tội Hiếp dâm với tình tiết định khung tăng nặng “có tính chất loạn luân” theo điểm e khoản 2 Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015 không?

Trả lời:

Điểm đ khoản 1 Điều 4 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi quy định: “Có tính chất loạn luân quy định tại điểm e khoản 2 Điều 141 ... của Bộ luật Hình sự là một trong các trường hợp sau đây:

... đ) Phạm tội đối với con dâu, bố chồng, mẹ vợ, con rể”. 

Theo các khoản 1, 2, 7, 16 Điều 3, khoản 1 Điều 9 và khoản 1 Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì pháp luật không công nhận quan hệ vợ chồng và các mối quan hệ khác khi quan hệ vợ chồng phát sinh nếu nam, nữ không đăng ký kết hôn theo quy định. 

Do vậy, chỉ xác định mối quan hệ con rể - mẹ vợ kể từ khi nam, nữ có đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 mà chưa đăng ký kết hôn quy định tại mục 3 Nghị quyết 35/2000/NQ-QH10 và khoản 2 Điều 44 Nghị định 123/2015/NĐ-CP).

Trong trường hợp nêu trên, mặc dù anh A và chị B chung sống với nhau như vợ chồng đã có con chung, được gia đình, dòng họ hai bên, hàng xóm đều xác nhận họ là vợ chồng nhưng nếu không đăng ký kết hôn thì theo quy định của pháp luật hiện hành nêu trên, giữa anh A và bà C không phát sinh mối quan hệ con rể - mẹ vợ;

Do vậy, không có căn cứ để xác định hành vi anh A hiếp dâm bà C là “có tính chất loạn luân” theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015, trừ trường hợp anh A, chị B chung sống với nhau như vợ chồng từ trước ngày 03/01/1987.

(4) 

Vướng mắc: Trong vụ án giao cấu với bị hại 13 tuổi dẫn đến bị hại có thai và sinh con (bị cáo 20 tuổi), Tòa án xác định bị cáo có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Vậy mức cấp dưỡng nuôi con có phụ thuộc vào độ tuổi của người bị hại hay không?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đủ thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”. 

Pháp luật không có quy định cụ thể về mức cấp dưỡng theo độ tuổi của người bị hại (người mẹ). Do đó, không có căn cứ pháp luật để xác định mức cấp dưỡng nuôi con theo độ tuổi của người bị hại.

(5)

Vướng mắc: A nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền của B nên đã nhờ C làm hợp đồng, xuất hóa đơn giá trị gia tăng khống và nói cho C biết là dùng hợp đồng này để đi vay tiền của người khác. Vì thân quen nhau nên C đã giúp A xuất khống hợp đồng mua tài sản giữa công ty của C với A có giá trị là 1.600.000.000 đồng và xuất hóa đơn giá trị gia tăng thể hiện A đã trả cho C số tiền 1.000.000.000 đồng, còn thiếu 600.000.000 đồng. 

A đem hợp đồng và hóa đơn giá trị gia tăng khống này đến lừa dối B là mua tài sản còn thiếu 600.000.000 đồng để B cho vay số tiền 600.000.000 đồng và thế chấp tài sản đã mua này cho B. B tin tưởng vì có hợp đồng và hóa đơn giá trị gia tăng, có đóng dấu mộc của công ty C nên B đưa 600.000.000 đồng cho A, A chiếm đoạt tiêu xài cá nhân hết. Vậy C đồng phạm với A về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản không?

Trả lời:

Hành vi làm hợp đồng và hóa đơn giá trị gia tăng khống của C là hành vi "tạo ra điều kiện vật chất" cho A vay được tiền của B, có dấu hiệu đồng phạm theo quy định tại Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015

Tuy nhiên, chỉ xác định C đồng phạm với A khi chứng minh được: mặc dù C biết A sẽ sử dụng hợp đồng và hóa đơn giá trị gia tăng khống để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác nhưng C vẫn làm hợp đồng và hóa đơn giá trị gia tăng khống cho A. 

Nếu C chỉ nhận thức việc mình làm là tạo điều kiện cho A thực hiện thủ tục vay tiền và C không biết việc A sẽ sử dụng hợp đồng và hóa đơn giá trị gia tăng khống để gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của B thì không xác định C đồng phạm với A. Ngoài ra, cần xem xét đầy đủ các tài liệu, chứng cứ khác để xử lý hành vi của C nếu có dấu hiệu của tội phạm khác.

(6)

Trường hợp lãi suất trong quan hệ hụi, họ vượt quá lãi suất giới hạn theo quy định tại Điều 21 Nghị định 19/2019/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Trả lời:

Căn cứ Điều 471 Bộ luật Dân sự 2015; Điều 3, Điều 21, khoản 2 Điều 25 và khoản 2 Điều 28 Nghị định 19/2019/NĐ-CP thì họ, hụi, biêu, phường là hình thức giao dịch vay tài sản được pháp luật dân sự điều chỉnh và bảo đảm hoạt động. 

Trường hợp lãi suất trong quan hệ hụi, họ có lãi suất vượt quá lãi suất giới hạn theo quy định của pháp luật dân sự mà đủ yếu tố cấu thành tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 thì người thực hiện hành vi có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

(7)

Vướng mắc: Quy định của Điều 229 Bộ luật Hình sự 2015 là có lợi hay không có lợi cho người phạm tội so với quy định của Điều 174 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) đối với hành vi phạm tội xảy ra trong các năm 2016, 2017 và 2018?

Trả lời:

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 thì những quy định của Bộ luật Hình sự 2015 không có lợi cho người phạm tội so với quy định của Bộ luật Hình sự 1999 thì không áp dụng đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước 0h00’ ngày 01/01/2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích; 

Trong trường hợp này, vẫn áp dụng quy định tương ứng của Bộ luật Hình sự 1999 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự 1999 để giải quyết.

Qua đối chiếu cho thấy, quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự 2015 đã định lượng, nhằm cụ thể hóa các tình tiết định tính (đất có diện tích lớn hoặc giá trị lớn, rất lớn, đặc biệt lớn; hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng) tại các điểm, khoản của Điều 174 Bộ luật hình sự 1999

Do vậy, việc xác định quy định của Điều 229 Bộ luật Hình sự 2015 là không có lợi hay có lợi cho người phạm tội so với Điều 174 Bộ luật Hình sự 1999 thì tùy từng trường hợp cụ thể, trong quá trình phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử đối với hành vi phạm tội xảy ra trước 0h00’ ngày 01/01/2018, các cơ quan tố tụng ở địa phương căn cứ vào tình tiết, hậu quả xảy ra trong từng vụ việc cụ thể để trao đổi, xem xét, thống nhất xử lý; cần theo các trường hợp như sau:

- Nếu áp dụng quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự 2015 mà đủ điều kiện xử lý hình sự, còn áp dụng quy định tương ứng tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 1999 thì không đủ điều kiện xử lý hình sự đối với người có hành vi vi phạm thì quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự 2015 là không có lợi và không được áp dụng để xử lý.

- Nếu quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự 2015 và Điều 174 Bộ luật Hình sự 1999 đều có thể xem xét, áp dụng, đủ điều kiện để xử lý hình sự đối với người có hành vi phạm tội thì tùy từng trường hợp mà xem xét, giải quyết, cụ thể như sau:

+ Trường hợp hành vi phạm tội diễn ra liên tục trong các năm 2016, 2017 và 2018, đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể tham khảo, vận dụng quy định tại mục 2 Phần III Thông tư liên tịch 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP

Theo đó, người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 nhưng cần xem xét quy định tương ứng của Bộ luật Hình sự 1999, nếu có quy định có lợi hơn cho người phạm tội thì áp dụng tinh thần quy định đó để quyết định hình phạt đối với họ.

+ Trường hợp hành vi vi phạm pháp luật diễn ra không liên tục thi hành vi thực hiện ở thời điểm nào đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự và văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn áp dụng Bộ luật Hình sự tại thời điểm đó để:

Xử lý (các hành vi xảy ra trong năm 2016 và năm 2017 thì áp dụng Bộ luật Hình sự 1999 và các văn bản hướng dẫn Bộ luật Hình sự 1999; hành vi xảy ra trong năm 2018 thì áp dụng dụng Bộ luật Hình sự 2015 và các văn bản hướng dẫn Bộ luật Hình sự 2015 để xử lý).

(8) 

Vướng mắc: Người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông có thể bị xem xét, xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 không?

Trả lời:

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 58, Điều 59, điểm b khoản 2 Điều 62 Luật Giao thông đường bộ 2008, Thông tư quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ (Văn bản hợp nhất 20/VBHN-BGTVT ngày 12/11/2019 của Bộ Giao thông vận tải) và Thông tư 06/2011/TT-BGTVT về bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ cho người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ thì:

Cơ quan có thẩm quyền cấp cho người tham gia giao thông giấy tờ sau để xác định người tham gia giao thông đủ khả năng vận hành, lưu thông phương tiện giao thông và người điều khiển phương tiện phải mang theo khi tham gia giao thông:

(i) Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ đối với người điều khiển xe cơ giới; 

(ii) Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ và bằng hoặc chứng chỉ nghề điều khiển xe máy chuyên dùng do cơ sở đào tạo nghề cấp đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng. 

Luật Giao thông đường bộ 2008 và các văn bản hướng dẫn không quy định cụ thể “giấy phép lái xe” gồm những loại giấy tờ nào.

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008 thi hành vi “điều khiển xe cơ giới không có giấy phép lái xe theo quy định” và hành vi “điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ không có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ nghề điều khiển xe máy chuyên dùng” đều là các hành vi bị nghiêm cấm, cùng được quy định tại khoản 9 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008

Do vậy, 02 hành vi này cùng có tính chất, mức độ nguy hiểm như nhau khi xem xét xử lý vi phạm.

Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 quy định hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ của các chủ thể tham gia giao thông đường bộ gồm: người điều khiển xe cơ giới, xe thô sơ, xe máy chuyên dùng; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ. 

Đối với tình tiết định khung tăng nặng “Không có giấy phép lái xe theo quy định” tại điểm a khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 cần được hiểu là các loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp (Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ và bằng/chứng chỉ nghề điều khiển xe máy chuyên dùng...) để cho phép một người được điều khiển loại phương tiện tương ứng tham gia giao thông theo quy định của Nhà nước; 

Và tình tiết này cần xem xét, áp dụng để xử lý không chỉ đối với hành vi của người điều khiển xe cơ giới mà áp dụng cả đối với các chủ thể khác thuộc đối tượng được cấp các loại “giấy phép lái xe theo quy định” (như người điều khiển xe máy chuyên dùng).

Do đó, trường hợp khi: 

(i) Người điều khiển xe cơ giới tham gia giao thông không có Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ" hoặc;

(ii) Người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông không có Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường hộ và bằng hoặc chứng chỉ nghề điều khiển xe máy chuyên dùng thì đều có thể bị xem xét, xử lý trách nhiệm hình sự nếu vi phạm theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.

(9)

Vướng mắc: Tình tiết “nồng độ cồn vượt quá mức quy định” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 được xác định như thế nào? Áp dụng khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 hay khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 để làm căn cứ xử lý?

Trả lời:

Điểm b khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tình tiết định khung tăng nặng: “trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định”. Việc xác định mức nồng độ cồn được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Theo quy định tại khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì một trong những hành vi bị nghiêm cấm là “8. Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lit khí thở”.

Tuy nhiên, khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2020) như sau: 

“8. Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. 

Do vậy, kể từ ngày 01/01/2020, người điều khiển phương tiện gây tai nạn có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở thì áp dụng quy định được sửa đổi, bổ sung theo khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 để làm căn cứ xử lý.

(10)

Vướng mắc: Có cần thiết phải xác định cụ thể số lô, số đề đã ghi trong vụ án về tội Đánh bạc quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 không?

Trả lời:

Việc xác định cụ thể sổ lô, số đề đã ghi là cơ sở để xác định tổng số tiền dùng để đánh bạc của người chơi đề, chủ đề; có ý nghĩa nhằm làm rõ ý thức, mục đích, hành vi của người chơi đề cũng như tình tiết của vụ án; là cơ sở để đánh giá chứng cứ. 

Do đó, cần thiết phải xác định cụ thể số lô, số đề đã ghi trong vụ án về tội Đánh bạc quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015.

(11)

Vướng mắc: Q có 01 tiền án về tội Trộm cắp tài sản, chưa được xóa án tích. Ngày 04/10/2021, Q trộm cắp 01 chiếc tivi, sau đó, Q bán chiếc tivi cho T, T mua lại chiếc tivi đó. Định giá tài sản chiếc tivi có trị giá 1.000.000 đồng. Vậy, hành vi của T có cấu thành tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có không?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: “Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

Như vậy, mặc dù trị giá của chiếc tivi là 1.000.000 đồng, tuy nhiên, Q đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích nên hành vi của Q phạm tội Trộm cắp tài sản. 

Do đó, chiếc tivi là tài sản có được từ hành vi phạm tội và trong trường hợp T biết rõ tivi là tài sản do Q phạm tội mà có mà T cố ý mua lại thì hành vi này của T cấu thành tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

(12)

Vướng mắc: Khi xử lý hành vi phạm tội quy định tại Điều 329 Bộ luật Hình sự 2015, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có cần căn cứ vào việc bị can, bị cáo có nhận thức được hành vi mua dâm của mình là đối với người dưới 18 tuổi không?

Trả lời:

Khi xử lý hành vi phạm tội quy định tại Điều 329 Bộ luật Hình sự 2015, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không cần căn cứ vào việc bị can, bị cáo có nhận thức được hành vi mua dâm của mình là đối với người dưới 18 tuổi hay không, bởi cấu thành tội phạm không quy định người phạm tội phải biết hoặc biết rõ tuổi của bị hại.

Xem thêm Công văn 2160/VKSTC-V14 ngày 05/6/2023.
 

Chia sẻ bài viết lên facebook 5,140

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079