Tín chỉ các-bon là gì? Vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon trong năm 2028

22/06/2023 15:56 PM

Xin hỏi về thông xin, thời điểm vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức? - Mỹ Trinh (Hà Nội)

Vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức trong năm 2028

Vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức trong năm 2028 (Hình từ internet)

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Tín chỉ các-bon là gì?

Theo Khoản 35 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định: Tín chỉ các-bon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí carbon dioxide (CO2) hoặc một tấn khí carbon dioxide (CO2) tương đương.

Căn cứ Khoản 5 Điều 3 Nghị định 06/2022/NĐ-CP thì cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon là các cơ chế thực hiện việc đăng ký, triển khai các chương trình, dự án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tạo tín chỉ các-bon theo các phương pháp được quốc tế hoặc Việt Nam công nhận. Tín chỉ các-bon từ các chương trình, dự án được trao đổi trên thị trường các-bon hoặc bù cho lượng phát thải khí nhà kính vượt quá hạn ngạch được phân bổ.

Thị trường các-bon

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 139 Luật Bảo vệ môi trường 2020 về thị trường các-bon thì:

Thị trường các-bon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh đó, trên thế giới, thị trường các-bon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua vào năm 1997. Theo Nghị định thư Kyoto, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do các-bon (CO2) là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi các-bon, hình thành nên thị trường các-bon hay thị trường tín chỉ các-bon.

Ngoài ra, sau Nghị định thư Kyoto, thị trường các-bon đã phát triển mạnh tại các quốc gia châu Âu, châu Mỹ và cả châu Á. Có hai loại thị trường chính là:

- Thị trường các-bon bắt buộc (mandatory carbon market): thị trường mà việc mua bán các-bon dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) để đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính. Thị trường này mang tính bắt buộc và chủ yếu dành cho các dự án trong cơ chế phát triển sạch (CDM), Cơ chế phát triển bền vững (SDM) hoặc đồng thực hiện (JI).

- Thị trường các-bon tự nguyện (voluntary carbon market): dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện để đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) để giảm dấu chân các-bon.

Vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức trong năm 2028

Theo Điều 17 Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước như sau:

- Giai đoạn đến hết năm 2027

+ Xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon;

+ Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

+ Thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon kể từ năm 2025;

+ Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường các-bon.

- Giai đoạn từ năm 2028

+ Tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức trong năm 2028;

+ Quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới.

Thủ tục xác nhận tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính

Vui lòng xem tại đây.

Nguyễn Phạm Nhựt Tân

Chia sẻ bài viết lên facebook 7,008

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079