Theo nhận định của Tổng cục Thuế, thời gian qua, tình hình nợ đọng thuế bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có xu hướng tăng lên, một số Cục Thuế chưa kiên quyết, chậm áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn hướng hướng dẫn thi hành.
Do đó, để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023, giảm số tiền nợ đọng thuế, thu hồi đầy đủ nợ thuế bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vào NSNN, Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các Cục Thuế có doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nợ lớn triển khai thực hiện các giải pháp sau:
- Đối với doanh nghiệp chỉ có khoản nợ đến 90 ngày: Thường xuyên thực hiện các biện pháp đôn đốc để yêu cầu người nộp thuế nộp tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước, không để nợ thuế dây dưa, kéo dài, hạn chế nợ mới phát sinh.
- Đối với doanh nghiệp nợ thuế đã quá thời hạn nộp từ 91 ngày trở lên:
+ Triển khai áp dụng ngay biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản đối với 100% doanh nghiệp nợ thuế bảo vệ môi trường trên địa bàn.
+ Sau thời gian áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản mà chưa thu đủ số tiền thuế nợ thì Cục Thuế tiếp tục ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn hoặc các biện pháp cưỡng chế tiếp theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra tình trạng nợ đọng thuế lớn, kéo dài trên địa bàn mà không kiên quyết áp dụng các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế theo quy định để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.
Xem chi tiết nội dung tại Công văn 2124/TCT-QLN ngày 30/5/2023.