Xử phạt vi phạm quy định về thăm dò khoáng sản độc hại (Hình từ internet)
Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT tư vấn như sau:
Theo Khoản 1 Điều 2 Nghị định 158/2016/NĐ-CP quy định Khoáng sản độc hại là loại khoáng sản có chứa một trong các nguyên tố Thủy ngân, Arsen, Uran, Thori, nhóm khoáng vật Asbet mà khi khai thác, sử dụng phát tán ra môi trường những chất phóng xạ hoặc độc hại vượt mức quy định của quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam.
Theo Khoản 6 Điều 2 Luật Khoáng sản 2010 thì thăm dò khoáng sản là hoạt động nhằm xác định trữ lượng, chất lượng khoáng sản và các thông tin khác phục vụ khai thác khoáng sản.
Bênh cạnh đó, căn cứ Điều 44 Luật Khoáng sản 2010 quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức cá nhân thăm dò khoáng sản độc hại thì ngoài việc thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 42 của Luật Khoáng sản 2010, tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản độc hại phải thực hiện các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến sức khỏe con người; trường hợp đã gây ô nhiễm môi trường thì phải xác định đầy đủ các yếu tố gây ô nhiễm, thực hiện các biện pháp khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm; trường hợp thăm dò khoáng sản độc hại có chứa chất phóng xạ còn phải thực hiện quy định của Luật năng lượng nguyên tử và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, căn cứ Điều 6 Nghị định 158/2016/NĐ-CP quy định về trách nhiệm quản lý khoáng sản độc hại như sau:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm điều tra, đánh giá, xác định mức độ ảnh hưởng và các khu vực bị ảnh hưởng, tác động bởi khoáng sản độc hại; đề xuất các giải pháp phòng ngừa tác động của khoáng sản độc hại đến môi trường khu vực và người dân địa phương nơi có khoáng sản độc hại; thông báo và bàn giao tài liệu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có khoáng sản độc hại.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có khoáng sản độc hại có trách nhiệm triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tác động tiêu cực của khoáng sản độc hại tới môi trường khu vực và người dân địa phương; tổ chức quản lý, bảo vệ khoáng sản độc hại chưa khai thác trên địa bàn địa phương theo quy định.
Theo Điều 34 Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về thăm dò khoáng sản độc hại như sau:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường đã được xác định trong đề án thăm dò khoáng sản nhưng chưa gây ô nhiễm môi trường trong quá trình thăm dò.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đầy đủ các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường đã được xác định trong đề án thăm dò khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình thăm dò.
-. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi đã gây ô nhiễm môi trường trong quá trình thăm dò mà thực hiện không đầy đủ các biện pháp khắc phục.
- Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường trong quá trình thăm dò mà không thực hiện biện pháp khắc phục.
Bên cạnh đó, căn cứ Khoản 5 Điều 34 Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định hình thức phạt bổ sung đối với xử phạt hành vi vi phạm quy định về thăm dò khoáng sản độc hại như sau đình chỉ hoạt động thăm dò khoáng sản trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần: Từ 01 tháng đến dưới 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1; từ 03 tháng đến dưới 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2; từ 06 tháng đến dưới 09 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3; từ 09 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 34 Nghị định 36/2020/NĐ-CP.
Ngoài ra, Khoản 6 Điều 34 Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định về biện pháp khắc phục hậu quả đối với xử phạt hành vi vi phạm quy định về thăm dò khoáng sản độc hại bao gồm:
- Buộc thực hiện các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến sức khỏe con người đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 34 Nghị định 36/2020/NĐ-CP.
- Buộc thực hiện đầy đủ các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường đối với hành vi vi phạm quy định tại các Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều 34 Nghị định 36/2020/NĐ-CP.
Nguyễn Phạm Nhựt Tân