Lao động nước ngoài: đẻ thêm giấy phép con

07/09/2013 08:55 AM

TVPL - Theo quy định tại Nghị định 102/2013/NĐ-CP vừa được ban hành ngày 5/9/2013, các đơn vị muốn được sử dụng lao động nước ngoài (LĐNN) thì phải có sự chấp thuận bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Việc cấp giấy chấp thuận này sẽ được thực hiện dựa trên báo cáo giải trình hàng năm của các đơn vị về nhu cầu sử dụng LĐNN.

Tương ứng, hồ sơ để xin giấy phép lao động (GPLĐ) kể từ ngày 1/11/2013 (ngày nghị định 102 có hiệu lực) sẽ phải có thêm văn bản chấp thuận việc sử dụng LĐNN của Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Như vậy, để có thể xin GPLĐ theo nghị định 102, các đơn vị sẽ phải thực hiện 2 thủ tục:

- Thủ tục xin phép được sử dụng LĐNN.

- Thủ tục xin GPLĐ.

Mặt khác, đối với những NLĐ thuộc diện không phải xin GPLĐ, Nghị định cũng yêu cầu họ phải làm thủ tục để được cấp Giấy xác nhận Không thuộc diện cấp GPLĐ.

Như vậy, theo Nghị định này, NLĐ nước ngoài muốn làm việc ở Việt Nam dù thuộc trường hợp nào cũng phải xin phép cơ quan lao động: “xin GPLĐ”hoặc “xin giấy xác nhận không cần phải có GPLĐ”.

Quy định trên rõ ràng là một bước lùi lớn trong việc cải cách thủ tục hành chính ở nước ta hiện nay; chưa rõ được tác dụng của các “thủ tục, giấy phép” mới trong việc quản lý sử dụng LĐNN như thế nào, nhưng chắc chắn việc “đẻ thêm” các “thủ tục, giấy phép” này sẽ là cơ sở “vững chắc” cho việc phát sinh các tiêu cực trong cơ quan hành chính.

Còn với các DN có sử dụng LĐNN, trong thời gian sắp tới có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải trình nhu cầu lao động của mình.

Một số thay đổi khác liên quan tới việc cấp giấy phép lao động:

- Định kỳ hàng năm, DN phải làm báo cáo, giải trình về nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài gửi về UBND cấp tỉnh, báo cáo này sẽ là căn cứ để DN xin phép được sử dụng lao động nước ngoài.

(Đối với trường hợp đấu thầu thì hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải nêu rõ nhu cầu sử dụng LĐNN)

- Bổ sung thêm các đối tượng LĐNN  được làm việc tại Việt Nam: tình nguyện viên; người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại; nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật; tham gia các dự án thầu, dự án tại Việt Nam.

- Giảm thời hạn tối đa của GPLĐ từ 3 năm (36 tháng) xuống còn 2 năm.

- DN phải làm thủ tục xin GPLĐ trước ngày NLĐ bắt đầu làm việc ít nhất 15 ngày làm việc (trước đây là 20 ngày).

- Việc gia hạn GPLĐ phải được thực hiện trước khi GPLĐ hết hiệu lực ít nhất 5 ngày nhưng không quá 15 ngày. (thời hạn trước đây là trước 10 ngày và không quá 30 ngày).

Bạn đọc có thể xem nội dung cụ thể của văn bản tại link sau: 102/2013/NĐ-CP.

Trọng Hiền

(Hình ảnh: Internet)

Chia sẻ bài viết lên facebook 19,322

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079