THƯ VIỆN PHÁP LUẬT cập nhật 10 chính sách mới quan trọng có hiệu lực từ ngày 12/2023:
1. Quy định mới về BHYT có hiệu lực từ ngày 03/12/2023
Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế 2008 có hiệu lực thi hành từ ngày 3/12/2023.
Theo đó, quy định nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 03/12/2023: XEM CHI TIẾT TẠI ĐÂY
10 chính sách mới quan trọng có hiệu lực từ tháng 12/2023 (Hình từ internet)
2. Sửa đổi quy định về tín dụng đầu tư của Nhà nước
Nghị định 78/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước có hiệu lực từ ngày 22/12/2023.
Trong đó, quy định về kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước được sửa lại như sau:
- Trước ngày 31/7 hằng năm, Ngân hàng Phát triển Việt Nam xây dựng kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước năm sau gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính với các nội dung gồm:
+ Tình hình triển khai và kết quả thực hiện kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước năm thực hiện, dự kiến kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà
nước năm sau;
+ Khả năng huy động vốn và cân đối nguồn vốn để thực hiện kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước;
+ Kế hoạch cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý, vốn điều lệ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam để thực hiện kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước năm sau;
+ Giải pháp điều hành, tổ chức thực hiện và dự kiến kết quả đạt được.
- Trước ngày 31/8 hằng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Phát triển Việt Nam rà soát, hoàn thiện kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước năm sau do Ngân hàng Phát triển Việt Nam xây dựng.
- Trước ngày 31/12 hằng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu tổng mức tăng trưởng tín dụng đầu tư của Nhà nước hoặc tổng mức kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước năm sau cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
3. Hướng dẫn chi hỗ trợ cho người bị bạo lực gia đình
Nghị định 76/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2023.
Trong đó, có hướng dẫn về việc chi hỗ trợ cho người bị bạo lực gia đình như sau:
- Việc hỗ trợ chi phí tư vấn tâm lý, cung cấp kỹ năng ứng phó với bạo lực gia đình do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện tư vấn cho người bị bạo lực gia đình, người có hành vi bạo lực gia đình.
- Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu khi thực hiện cấm tiếp xúc, việc hỗ trợ áp dụng như quy định đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
- Trường hợp người bị bạo lực gia đình bị tổn hại sức khỏe được chăm sóc, điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
4. Quy định về cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ
Nghị định 81/2023/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ có hiệu lực từ ngày 01/12/2023.
Theo đó, quy định cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ gồm:
(1) Vụ Pháp chế.
(2) Vụ Tổ chức cán bộ.
(3) Vụ Hợp tác quốc tế.
(4) Vụ Kế hoạch - Tổng hợp.
(5) Văn phòng.
(6) Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khối kinh tế ngành (Vụ I).
(7) Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ II).
(8) Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khối văn hóa, xã hội (Vụ III).
(9) Cục Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 1 (Cục I).
(10) Cục Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 2 (Cục II).
(11) Cục Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 3 (Cục III).
(12) Cục Phòng, Chống tham nhũng, tiêu cực (Cục IV).
(13) Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra (Cục V).
(14) Ban Tiếp công dân trung ương.
(15) Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra.
(16) Báo Thanh tra.
(17) Tạp chí Thanh tra.
(18) Trường Cán bộ Thanh tra.
(19) Trung tâm Thông tin.
Trong đó, các đơn vị quy định từ 1 - 14 là các tổ chức hành chính, giúp Tổng Thanh tra Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các đơn vị từ 15 - 19 là các đơn vị sự nghiệp công lập, phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ.
Ban Tiếp công dân trung ương có bộ phận thường trực tại Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Tổng Thanh tra Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Thanh tra Chính phủ.
5. Lệ phí cấp mới giấy phép lái xe từ ngày 01/12/2023
Thông tư 63/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về phí, lệ phí nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến có hiệu lực từ ngày 01/12/2023.
Theo đó, mức thu lệ phí cấp mới giấy phép lái xe từ ngày 01/12/2023 đối với từng hình thức sẽ có giá như sau:
- Đối với hình thức trực tiếp: Sẽ thực hiện theo mức thu theo quy định tại Mục 2 Biểu mức thu phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng ban hành kèm theo Thông tư 37/2023/TT-BGTVT, cụ thể: 135.000 đồng/lần.
- Đối với hình thức trực tuyến (online): Sẽ thực hiện theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 37/2023/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 63/2023/TT-BTC)
+ Kể từ ngày 01/12/2023 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025, áp dụng mức thu lệ phí là 115.000 đồng/lần cấp.
+ Kể từ ngày 01/01/2026 trở đi, áp dụng mức thu lệ phí quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư 37/2023/TT-BGTVT.
Như vậy, từ ngày 01/12/2023, lệ phí cấp mới giấy phép lái xe từ ngày 01/12/2023 như sau: 135.000 đồng/lần nếu hình thức trực tiếp; 115.000 đồng/lần cấp nếu hình thức online.
6. Thời giờ làm việc của NLĐ làm việc thường xuyên tại các công trình dầu khí trên biển
Thông tư 20/2023/TT-BCT quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trên biển có hiệu lực từ ngày 25/12/2023.
Theo đó, quy định người lao động làm việc thường xuyên tại các công trình dầu khí trên biển theo phiên và theo ca làm việc, cụ thể như sau:
- Ca làm việc không quá 12 giờ trong 01 ngày;
- Phiên làm việc tối đa là 28 ngày.
7. Điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ
Thông tư 82/2023/TT-BQP điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc có hiệu lực từ ngày 19/12/2023.
Theo đó, hướng dẫn cách tính và mức điều chỉnh như sau:
(1) Tăng thêm 12,5% trên mức trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2023.
Mức trợ cấp hằng tháng được hưởng từ ngày 01/7/2023 tính theo công thức sau:
Mức trợ cấp hằng tháng được hưởng từ tháng 7/2023= Mức trợ cấp hằng tháng được hưởng tại thời điểm tháng 6/2023 x 1,125
(2) Mức trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc nêu trên sau khi đã được điều chỉnh tăng thêm, cụ thể như sau:
- Từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm, mức trợ cấp bằng 2.285.000 đồng/tháng;
- Từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm, mức trợ cấp bằng 2.388.000 đồng/tháng;
- Từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm, mức trợ cấp bằng 2.494.000 đồng/tháng;
- Từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm, mức trợ cấp bằng 2.598.000 đồng/tháng;
- Từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm, mức trợ cấp bằng 2.700.000 đồng/tháng.
Các quy định tại Thông tư 82/2023/TT-BQP được thực hiện từ ngày 01/7/2023.
8. Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thông tư 18/2023/TT-BYT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hiệu lực từ ngày 12/12/2023.
Theo đó, nội dung nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, thành phố Trung ương bao gồm 05 nội dung chính như sau:
- Tham mưu về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ:
+ Xây dựng chương trình, dự án, kế hoạch, phương hướng, nhiệm vụ công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ, gửi Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, thành phố cho ý kiến, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định và theo phân cấp;
+ Phối hợp tham mưu, đề xuất chế độ khám bệnh, chữa bệnh đối với cán bộ thuộc diện quản lý; nhân viên y tế thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trên địa bàn tỉnh, thành phố;
+ Tổ chức sơ kết, tổng kết, báo cáo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trên địa bàn tỉnh, thành phố.
- Tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ:
+ Quản lý sức khỏe: Lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe cán bộ theo quy định và theo phân cấp; phối hợp với Hội đồng chuyên môn bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của tỉnh, thành phố trong việc phân loại sức khỏe cán bộ thuộc diện quản lý;
+ Tiếp nhận khám bệnh, cấp cứu, điều trị ngoại trú, nội trú, chuyển tuyến theo quy định; tổ chức khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ;
+ Thực hiện, phối hợp khám phân loại sức khỏe trước khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy quản lý và các đối tượng khác do Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy quy định.
+ Thực hiện truyền thông, cung cấp thông tin, tư vấn về sức khỏe; hướng dẫn phòng, chống bệnh dịch, bệnh truyền nhiễm,… chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho cán bộ thuộc diện quản lý;
+ Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng và tổ chức phương án bảo đảm về y tế, xử lý các tình huống cấp cứu đối với các cán bộ khi tham gia các hội nghị, sự kiện, công tác trên địa bàn.
- Quản lý và huy động các nguồn lực:
+ Lập và quản lý danh sách nhân lực y tế có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm tại địa phương tham gia hội đồng chuyên môn để hội chẩn, tham gia cấp cứu trong trường hợp cần thiết.
+ Quản lý các nguồn lực về nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính, tài sản bảo đảm cho nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ theo đúng quy định và theo phân cấp;
+ Huy động các nguồn lực để thực hiện giải quyết tình huống cấp cứu cán bộ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi công tác tại địa phương và các cán bộ thuộc diện quản lý theo phân cấp.
- Phối hợp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ cấp cục, vụ, viện và tương đương trở lên của các cơ quan Trung ương; cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý đang công tác hoặc đã nghỉ hưu trên địa bàn.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được phân công của cấp có thẩm quyền.
9. Mức thu phí khai thác và sử dụng dữ liệu về môi trường từ ngày 15/12/2023
Thông tư 65/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng dữ liệu về môi trường có hiệu lực từ ngày 15/12/2023.
Theo đó, mức thu phí khai thác và sử dụng dữ liệu về môi trường được quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư 65/2023/TT-BTC, đơn cử một số mức thu phí như sau:
- Hồ sơ, tài liệu: quản lý chất lượng môi trường; quản lý chất thải và cải thiện môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học; truyền thông môi trường; quản lý môi trường lưu vực sông, ven biển và biển: 800.000 đồng/báo cáo.
- Báo cáo kết quả quan trắc môi trường (theo đợt/năm): không khí xung quanh: nước mặt (sông, hồ); nước biển ven bờ; nước mưa; nước dưới đất; trầm tích (sông, nước biển); môi trường đất: 800.000 đồng/báo cáo.
- Dữ liệu kết quả quan trắc môi trường nước mặt tự động, cố định, liên tục: 28.000 đồng/thông số.
10. Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh
Thông tư 10/2023/TT-BKHĐT quy định Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh có hiệu lực từ ngày 15/12/2023.
Theo đó, Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh sẽ bao gồm 04 mục tiêu chính:
- Mục tiêu 1: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP
- Mục tiêu 2: Xanh hóa các ngành kinh tế, bao gồm các lĩnh vực: năng lượng; giao thông vận tải; nông nghiệp; thương mại – dịch vụ; công nghệ; vốn đầu tư, trái phiếu, tín dụng: tài nguyên rừng; tài nguyên khoáng sản; tài nguyên nước.
- Mục tiêu 3: Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững (môi trường, xã hội; đô thị; Chính phủ)
- Mục tiêu 4: Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.