Phạt nặng hành vi giả mạo chứng từ kế toán, hối lộ kiểm toán
Từ ngày 01/12/2013, Nghị định 105/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập có hiệu lực thi hành.
Trong lĩnh vực kế toán, các mức phạt tối thiểu đối với các hành vi vi phạm về chứng từ kế toán sẽ tăng. Một số mức phạt phổ biến trong lĩnh vực này được quy định như sau:
- Hành vi giả mạo, khai man hoặc thỏa thuận, ép buộc người khác giả mạo, khai man chứng từ kế toán sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu, trước đây mức phạt đối với hành vi này từ 10 - 30 triệu.
- Hành vi ký chứng từ kế toán khi chưa đủ nội dung chứng từ, không có thẩm quyền ký hoặc không được ủy quyền ký sẽ bị phạt từ 5 – 10 triệu, trước đây là từ 2-10 triệu.
Cũng trong lĩnh vực này, mức phạt sẽ tăng đối với các hành vi vi phạm liên quan đến sổ kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán,…
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định mức phạt đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động kiểm toán như: bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho kiểm toán viên, hợp đồng kiểm toán,vi phạm tính bảo mật trong kiểm toán, vi phạm về báo cáo kiểm toán,…
Trong đó, hành vi mua chuộc, hối lộ, hay thông đồng với tổ chức kiểm toán nhằm làm sai lệch kết quả kiểm toán sẽ bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng.
Hỗ trợ học nghề cho người lao động thất nghiệp
Theo Quyết định 55/2013/QĐ-TTg, lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng khi tham gia các khóa học nghề đến ba tháng.
Đối với các khóa học nghề trên ba tháng thì mức tối đa được hỗ trợ là 600 nghìn đồng/tháng; mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy nghề và thời gian học thực tế.
Đối với trường hợp mức chi phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ trên thì phần vượt quá do người lao động tự chi trả.
Thời gian được hỗ trợ học nghề tùy thuộc vào thời gian đào tạo của từng nghề, nhu cầu của từng lao động nhưng không quá sáu tháng.
Bộ Lao động thương binh xã hội ban hành quy định về mức trần tiền ký quỹ dành cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Mức ký quỹ này được quy định đối với 34 thị trường lao động.
Đối với thị trường chưa quy định mức trần ký quỹ, người lao động ký quỹ với mức tương ứng bằng vé máy bay chiều về Việt Nam.
Trường hợp không ký quỹ hoặc không đủ tiền để ký quỹ, có thể thỏa thuận thực hiện bảo lãnh theo Thông tư 08/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTP .
Thông tư cũng quy định các DN xuất khẩu lao động phải thực hiện báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện, quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của người lao động trước 20/6 và 20/12 hàng năm.
Mẫu hợp đồng cung ứng lao động năm 2013
Từ ngày 1/12/2013, Hợp đồng cung ứng LĐ trong hoạt động đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài thực hiện theo Mẫu ban hành kèm theo Thông tư 22/2013/TT-BLĐTBXH
Nội dung HĐ gồm: thông tin các bên ký kết HĐ; điều kiện cung ứng, tiếp nhận LĐ; quyền, nghĩa vụ các bên; tiền môi giới (nếu có); giải quyết tranh chấp; thời hạn, gia hạn HĐ; chấm dứt HĐ trước thời hạn.
Hợp đồng cung ứng LĐ có thể được các bên thỏa thuận cho phù hơp với quy định của nước tiếp nhận LĐ nhưng vẫn phải đảm bảo có đầy đủ các nội dung trên.
Hợp đồng cung ứng LĐ có hiệu lực trước thời điểm Thông tư 22 có hiệu lực thì các bên có trách nhiệm đàm phán, ký kết theo mẫu mới trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Thông tư 22 có hiệu lực.
Ngoài ra, Thông còn quy định Mẫu và nội dung HĐ đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài.
Dạy thêm trái quy định phạt đến 12 triệu
Từ ngày 10/12/2013 việc tổ chức dạy thêm khi chưa được cấp phép sẽ bị phạt tiền từ 6 đến 12 triệu đồng và sẽ bị đình chỉ dạy thêm từ 12 đến 24 tháng.
Ngoài ra, các hoạt động dạy thêm sai quy định khác tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị phạt tiền theo các mức sau:
- Từ 1 đến 2 triệu đồng khi tổ chức dạy thêm không đảm bảo cơ sở vật chất;
- Từ 2 đến 4 triệu đồng khi tổ chức dạy thêm không đúng đối tượng;
- Từ 4 đến 6 triệu đồng khi tổ chức dạy thêm không đúng nội dung đã được cấp phép.
Nội dung này được quy định tại Nghị định 138/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục
Huỳnh Như