Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung sẽ có những bước phát triển mới đến năm 2030

08/05/2024 09:15 AM

Tôi muốn biết phương hướng để Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung sẽ có những bước phát triển mới đến năm 2030 là gì?- Quỳnh Thi (Thừa Thiên Huế)

Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung sẽ có những bước phát triển mới đến năm 2030

Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung sẽ có những bước phát triển mới đến năm 2030 (Hình từ internet)

Ngày 04/5/2024, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định 376/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Có thể thấy, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung sẽ có những bước phát triển mới đột phá từ đây cho tới năm 2030.

1. Phạm vi ranh giới Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung

Trong quy hoạch đã được phê duyệt chia phạm vi ranh giới Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung làm 02 vùng là vùng đất và vùng biển ven bờ.

- Vùng đất bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của thành phố Đà Nẵng và 13 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

- Vùng biển ven bờ của thành phố Đà Nẵng và 13 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

2. Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung sẽ có những bước phát triển mới đến năm 2030

Đến năm 2030, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là vùng phát triển nhanh, năng động, hướng tới bền vững, mạnh về kinh tế biển, phấn đấu mức thu nhập bình quân đầu người của vùng đạt mức trung bình cao.

Bên cạnh đó, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, có khả năng chống chịu cao với thiên tai và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn của,cả nước, các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Các giá trị văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.

Phương hướng phát triển cụ thể:

- Về kinh tế:

+ Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt khoảng 7,5 - 8% giai đoạn 2021 - 2030. Đến năm 2030, quy mô GRDP tăng từ 2,5 đến 3 lần so với năm 2020, trong đó tỷ trọng GRDP của khu vực dịch vụ đạt khoảng 38 - 39%, khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 40 41%, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản khoảng 10 -11%, thuê sản phẩm trừ trợ cấp khoảng 10 - 11%. GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 165 triệu đồng, tương đương 6.485 USD;

+ Phát triển hệ thống đô thị bền vững; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 48%; phấn đấu phát triển được ít nhất 01 đô thị ngang tầm khu vực và quốc tế. Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững và gắn với đô thị hoá; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 90%, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao;

+ Phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trên cơ sở tăng cường hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, chuyển đổi số; phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GRDP.

- Về văn hóa - xã hội:

+ Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt cao hơn mức trung bình cả nước, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng với miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, bãi ngang, hải đảo; sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện;

+ Về dân số, lao động: tốc độ tăng dân số bình quân khoảng 0,9%/năm; phát triển lực lượng lao động chất lượng cao và có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường, trong đó chú trọng các ngành có lợi thế của vùng. Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo 75 - 85%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%;

+ Về giáo dục - đào tạo: đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục, phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia là khoảng 65 - 75%, tiểu học đạt 75 - 85%, trung học cơ sở đạt 70 - 80%, trung học phổ thông đạt 60 - 70%. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đại học và dạy nghề một số ngành học, bậc học cao hơn mức bình quân chung của cả nước;

+ Về y tế: xây dựng hệ thống y tế theo hướng phủ khắp, hiện đại, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho Nhân dân. Phấn đấu đến năm 2030 đạt 35 giường bệnh và 15 bác sĩ trên 01 vạn dân;

+ Về văn hóa: phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa. Phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 03 loại hình thiết chế văn hoá, gồm: trung tâm văn hoá hoặc trung tâm văn hoá - nghệ thuật, bảo tàng và thư viện;

+ Về an sinh xã hội, giảm nghèo: tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều theo từng thời kỳ giảm bình quân 1 - 1,5% trên năm.

- Về môi trường:

+ Duy trì tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 54%; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn ở thành thị đạt 100%, ở nông thôn đạt 80%;

+ Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%, trong đó tỷ lệ xử lý thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn đạt khoảng 40%;

+ Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, kết hợp tái sử dụng đạt trên 50%; 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; phấn đấu 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng;

+ Kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng biển, ven biển và trên các đảo; quản lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền, giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển; 100% các khu bảo tồn biển trong phạm vi của vùng không còn rác thải nhựa; 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa ở vùng bờ biển được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường.

- Về phát triển kết cấu hạ tầng:

+ Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, trong đó hình thành mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức bao gồm các trục giao thông đường bộ Bắc - Nam, Đông - Tây, cảng biển, các cảng hàng không, sân bay, một số tuyến đường sắt đô thị để kết nối với hệ thống đường sắt quốc gia; phấn đấu đến năm 2030 trên địa bàn vùng có khoảng trên 1.554 km đường bộ cao tốc;

+ Phát triển hạ tầng năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng điện gió, hydro xanh), hạ tầng thông tin và truyền thông, hạ tầng đô thị, nhất là đô thị khu vực ven biển, hạ tầng thủy lợi và phòng, chống thiên tai, các hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Về quốc phòng, an ninh: bảo vệ vững chắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, quyền, chủ quyền biển, đảo; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của vùng.

Với những phương hướng và mục tiêu rõ ràng như vậy, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung sẽ có những bước phát triển mới đầy đột phá trong thời gian sắp tới. Đến năm 2030, vùng này sẽ có nhiều sự thay đổi để cố gắng là vùng kinh tế biển phát triển nhất nước ta.

Nguyễn Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết lên facebook 1,426

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079