Mức hỗ trợ cộng đồng dân cư vùng đệm rừng đặc dụng từ ngày 15/7/2024 (Hình từ Internet)
Theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 58/2024/NĐ-CP, từ ngày 15/7/2024, cộng đồng dân cư thuộc vùng đệm của khu rừng đặc dụng được hỗ trợ bình quân là 50 triệu đồng/cộng đồng dân cư/năm để phát triển sinh kế, cải thiện đời sống người dân vùng đệm của các khu rừng đặc dụng.
Để được hỗ trợ vùng đệm rừng đặc dụng thì cộng đồng dân cư cần phải đáp ứng các điều kiện như sau:
- Cộng đồng dân cư có quá trình bảo vệ rừng tốt, không để xảy ra các vụ vi phạm nghiêm trọng trong công tác bảo vệ rừng;
- Có kế hoạch, dự toán được duyệt; có cam kết bảo vệ rừng với ban quản lý rừng đặc dụng;
- Không trùng lặp nội dung hỗ trợ với dự án được đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
(Khoản 3 Điều 8 Nghị định 58/2024/NĐ-CP)
Cụ thể tại Điều 4 Nghị định 58/2024/NĐ-CP quy định về trình tự thực hiện hỗ trợ cộng đồng dân cư vùng đệm rừng đặc dụng như sau:
- Lập kế hoạch, dự toán và phê duyệt kinh phí hỗ trợ:
+ Hằng năm, Trưởng thôn tổ chức họp với cộng đồng dân cư về đề xuất nội dung, kế hoạch, dự toán kinh phí đề nghị hỗ trợ và thống nhất tại biên bản họp theo Mẫu số 01 và lập kế hoạch, dự toán kinh phí hỗ trợ theo Mẫu số 02 Phụ lục kèm theo Nghị định 58/2024/NĐ-CP, gửi Ủy ban nhân dân cấp xã và ban quản lý rừng đặc dụng;
+ Ban quản lý rừng đặc dụng chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã họp với cộng đồng dân cư có đề nghị hỗ trợ và thống nhất đồng phê duyệt kế hoạch, dự toán kinh phí hỗ trợ của cộng đồng dân cư.
- Thực hiện hỗ trợ:
+ Cộng đồng dân cư tự tổ chức thực hiện các nội dung kế hoạch, dự toán hỗ trợ kinh phí được duyệt. Đối với các nội dung cộng đồng dân cư không tự tổ chức thực hiện được, đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc ban quản lý rừng đặc dụng hỗ trợ thực hiện;
+ Trường hợp có nhu cầu điều chỉnh kế hoạch và kinh phí hỗ trợ, cộng đồng dân cư đề nghị ban quản lý rừng đặc dụng, Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, điều chỉnh.
- Nghiệm thu, giám sát thực hiện:
+ Cộng đồng dân cư tự tổ chức giám sát thực hiện kế hoạch, kinh phí hỗ trợ theo quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở;
+ Sau khi hoàn thành các nội dung kế hoạch được phê duyệt hỗ trợ hoặc kết thúc năm, ban quản lý rừng đặc dụng phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức nghiệm thu. Kết quả nghiệm thu được thể hiện trong biên bản nghiệm thu. Thành phần tham gia nghiệm thu gồm đại diện ban quản lý rừng đặc dụng, Ủy ban nhân dân cấp xã và đại diện cộng đồng dân cư.
Nội dung nghiệm thu, bao gồm:
(i) Đối với các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm: nghiệm thu theo kế hoạch, dự toán hỗ trợ;
(ii) Đối với hỗ trợ giống cây, giống con, thiết bị chế biến nông, lâm sản quy mô nhỏ: nghiệm thu theo kế hoạch, dự toán hỗ trợ và theo hóa đơn hoặc biên nhận (trong trường hợp không có hóa đơn) và danh sách ký nhận của các hộ gia đình, cá nhân hay tổ hợp tác (nếu có);
(iii) Đối với hỗ trợ vật liệu xây dựng các công trình công cộng thôn: nghiệm thu số lượng, khối lượng vật tư hỗ trợ theo kế hoạch, dự toán. Riêng đối với các công trình đồng hỗ trợ, bổ sung ký xác nhận vật liệu của ban quản lý dự án công trình.
Xem thêm tại Nghị định 58/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/7/2024.