Đề xuất chế độ chính sách với người tham gia chữa cháy, cứu nạn cứu hộ

21/06/2024 14:30 PM

Dưới đây là nội dung đề xuất chế độ chính sách với người tham gia chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Đề xuất chế độ chính sách với người tham gia chữa cháy, cứu nạn cứu hộ (Hình từ internet)

Bộ Công an đã công bố dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Dự thảo lần 2). Đây là bản dự thảo sẽ trình Quốc hội để lấy ý kiến đóng góp tại Kỳ họp thứ 7.

Đề xuất chế độ chính sách với người tham gia chữa cháy, cứu nạn cứu hộ

Theo Điều 51 dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã đề cập nội dung chế độ chính sách với người tham gia chữa cháy, cứu nạn cứu hộ như sau:

- Người tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ không thuộc lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quy định tại Điều 40 dự thảo Luật này khi tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được hưởng chế độ bồi dưỡng, hỗ trợ.

- Trường hợp người tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ bị tai nạn, bị thương thì được hưởng chế độ theo quy định như sau:

+ Trường hợp đã tham gia bảo hiểm y tế và đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thì được chi trả chế độ từ quỹ bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

+ Trường hợp chưa tham gia bảo hiểm y tế thì được hỗ trợ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh; nếu bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; nếu chết thì thân nhân được hưởng chế độ tiền tuất, tiền mai táng phí.

- Người bị thương, chết khi tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

- Chính phủ quy định chi tiết khoản 1, khoản 2 Điều 51 dự thảo Luật này.

Như vậy, so với quy định hiện hành thì dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã bổ sung chi tiết hơn nội dung của chế độ chính sách với người tham gia chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.

Hiện hành tại Điều 10 Luật Phòng cháy chữa cháy 2001 (sửa đổi, bổ sung 2013) có quy định về chế độ, chính sách đối với người tham gia chữa cháy như sau:

Người tham gia chữa cháy được hưởng chế độ bồi dưỡng về vật chất; trường hợp bị chết, bị thương, bị tổn hại sức khỏe, bị tổn thất về tài sản thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Chính phủ đã hướng dẫn chi tiết việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người tham gia chữa cháy và đối với thành viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành tại Điều 34 Nghị định 136/2020/NĐ-CP như sau:

- Người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy và phục vụ chữa cháy theo lệnh triệu tập, huy động của người có thẩm quyền thì được hưởng chế độ như sau:

+ Nếu thời gian chữa cháy dưới 02 giờ được bồi dưỡng một khoản tiền bằng 0,3 ngày lương tối thiểu vùng;

+ Nếu thời gian chữa cháy từ 02 giờ đến dưới 04 giờ được bồi dưỡng một khoản tiền bằng 0,45 ngày lương tối thiểu vùng;

+ Nếu thời gian chữa cháy từ 04 giờ trở lên hoặc chữa cháy nhiều ngày thì cứ 04 giờ được bồi dưỡng một khoản tiền bằng 0,6 ngày lương tối thiểu vùng. Nếu tham gia chữa cháy vào ban đêm từ 22 giờ đến 6 giờ sáng thì được tính gấp 2 lần theo cách tính trên;

+ Trường hợp bị tai nạn, bị thương được thanh toán tiền khám bệnh, chữa bệnh; bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; bị chết thì được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí. Những khoản chi chế độ nêu trên do tổ chức bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chi trả theo quy định; nếu người đó chưa tham gia bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội thì do ngân sách địa phương hoặc cơ quan, tổ chức quản lý bảo đảm;

+ Trường hợp bị thương thuộc một trong các trường hợp quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì được xét hưởng chính sách thương binh hoặc như thương binh;

+ Trường hợp bị chết thuộc một trong các trường hợp quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì được xét công nhận là liệt sỹ.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho các chức danh Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng; mức hỗ trợ căn cứ điều kiện thực tế của từng địa phương nhưng không thấp hơn 15% lương tối thiểu vùng.

- Đội trưởng, Đội phó đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành hoạt động theo chế độ không chuyên trách ngoài việc được hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp khác (nếu có) còn được hưởng hỗ trợ thường xuyên do cơ quan, tổ chức quản lý chi trả. Căn cứ vào điều kiện thực tế, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định, mức hỗ trợ cho từng chức danh nhưng không thấp hơn hệ số 0,2 lương tối thiểu vùng.

- Thành viên đội dân phòng khi tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy, mỗi ngày được hưởng trợ cấp một khoản tiền bằng 0,6 ngày lương tối thiểu vùng; thành viên đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành trong thời gian tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp khác (nếu có) và mỗi ngày được hưởng một khoản tiền bồi dưỡng bằng 0,3 ngày lương tối thiểu vùng.

- Đối tượng quy định tại khoản 4 Điều này khi tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy nếu bị tai nạn, tổn hại sức khỏe hoặc bị chết thì được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí; trường hợp chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì do ngân sách địa phương hoặc cơ quan, tổ chức quản lý bảo đảm.

Lê Nguyễn Anh Hào

Chia sẻ bài viết lên facebook 873

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079