Quy định về đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, hướng dẫn kiến thức về cứu nạn, cứu hộ với lực lượng PCCC (Hình từ Internet)
Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 3 Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về cứu nạn và cứu hộ như sau:
- Cứu nạn là hoạt động cứu người bị nạn khỏi nguy hiểm đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của họ do sự cố, tai nạn, bao gồm: Phát hiện, định vị, mở lối tiếp cận người bị nạn, bố trí phương tiện, dụng cụ, lực lượng cứu nạn, cứu hộ; xác định, ngăn chặn, loại bỏ các yếu tố đe dọa tính mạng, sức khỏe người bị nạn và lực lượng cứu nạn, cứu hộ; tư vấn biện pháp y tế ban đầu, sơ cứu; đưa người bị nạn khỏi vị trí nguy hiểm và các biện pháp khác đưa người bị nạn đến vị trí an toàn.
- Cứu hộ là hoạt động cứu phương tiện, tài sản khỏi nguy hiểm do sự cố, tai nạn, bao gồm: Phát hiện, định vị, mở lối tiếp cận phương tiện, tài sản bị nạn, bố trí phương tiện, dụng cụ, lực lượng cứu nạn, cứu hộ; xác định, ngăn chặn, loại bỏ các yếu tố nguy hiểm đe dọa an toàn phương tiện, tài sản và sức khỏe, tính mạng lực lượng cứu nạn, cứu hộ; đưa phương tiện, tài sản khỏi vị trí nguy hiểm và các biện pháp khác đưa phương tiện, tài sản đến vị trí an toàn.
Theo Điều 11 Nghị định 83/2017/NĐ-CP (sửa đổi tại điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 2 Nghị định 50/2024/NĐ-CP) thì đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, hướng dẫn kiến thức về cứu nạn, cứu hộ với lực lượng PCCC như sau:
(1) Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải được đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện về pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ, kỹ năng tham mưu, tổ chức thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ, tư vấn biện pháp y tế ban đầu, sơ cứu người bị nạn; kỹ năng sử dụng các phương tiện, thiết bị, dụng cụ cứu nạn, cứu hộ và các kỹ năng cần thiết khác.
Lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành, phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng dân phòng được bồi dưỡng, huấn luyện về pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ cần thiết về cứu nạn, cứu hộ.
Cá nhân, hộ gia đình cư trú trên địa bàn xã, phường, thị trấn được hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm, kiến thức cần thiết về cứu nạn, cứu hộ.
(2) Trách nhiệm tổ chức và thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ
- Việc đào tạo công tác cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy do Trường Đại học Phòng cháy và chữa cháy và các cơ sở giáo dục, đào tạo có đủ điều kiện đảm nhiệm;
- Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, lực lượng cứu nạn, cứu hộ trong toàn lực lượng Công an nhân dân, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành, phòng cháy và chữa cháy cơ sở và lực lượng khác khi được đề nghị;
- Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý, lực lượng dân phòng, phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng khác khi được đề nghị.
- Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm, kiến thức cần thiết về cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng và cho cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn;
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở có trách nhiệm tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ về cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành, phòng cháy và chữa cháy cơ sở.
(3) Thời gian bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ
- Thời gian bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do Bộ trưởng Bộ Công an quy định;
- Thời gian bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ cho các lực lượng phòng cháy và chữa cháy khác:
+ Thời gian huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ lần đầu từ 32 giờ đến 48 giờ;
+ Thời gian bồi dưỡng bổ sung hàng năm về nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ tối thiểu là 16 giờ;
+ Thời gian huấn luyện lại để được cấp chứng nhận huấn luyện về nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ sau khi giấy này hết thời hạn sử dụng tối thiểu là 32 giờ.
(4) Kinh phí tổ chức lớp bồi dưỡng, huấn luyện về nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ do cơ quan, tổ chức, cơ sở tổ chức lớp bồi dưỡng, huấn luyện chịu trách nhiệm chi trả theo quy định của pháp luật.
(5) Hồ sơ đề nghị huấn luyện, kiểm tra, cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ.
- Thành phần hồ sơ
Đối với cơ quan, tổ chức, cơ sở: văn bản đề nghị huấn luyện, kiểm tra, cấp Chứng nhận huấn luyện (Mẫu số PC22);
Mẫu số PC22 |
Đối với cá nhân: văn bản đề nghị huấn luyện, kiểm tra, cấp Chứng nhận huấn luyện (Mẫu số PC23).
Mẫu số PC23 |
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền quy định tại điểm a khoản 5 Điều 11 Nghị định 83/2017/NĐ-CP (sửa đổi điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị định 50/2024/NĐ-CP) theo một trong các hình thức sau:
Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền;
Trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của cấp có thẩm quyền (đối với các văn bản, giấy tờ thuộc danh mục bí mật nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước);
Thông qua dịch vụ bưu chính công ích.
- Thông báo kết quả xử lý hồ sơ:
Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải giao trực tiếp 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy hoặc Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy cho người đến nộp hồ sơ và lưu 01 bản;
Trường hợp nộp hồ sơ qua Cổng Dịch vụ công, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của cấp có thẩm quyền, cán bộ tiếp nhận gửi thông báo qua thư điện tử, tin nhắn điện thoại về việc tiếp nhận hoặc hướng dẫn bổ sung hồ sơ đến cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ;
Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải gửi 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy hoặc Phiếu hướng dẫn, bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ trước đó và lưu 01 bản.
(6) Thời hạn giải quyết các thủ tục về huấn luyện, kiểm tra, cấp, cấp lại Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ:
- Trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan Công an có trách nhiệm tổ chức huấn luyện, kiểm tra, đánh giá kết quả và cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ cho các cá nhân có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu (Mẫu số PC35). Trường hợp không cấp Chứng nhận phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do;
Mẫu số PC35 |
- Thời hạn cấp lại Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp không cấp lại Chứng nhận phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
(7) Thẩm quyền cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ:
- Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ đối với cá nhân thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ sở thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty;
- Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện huấn luyện, kiểm tra, đánh giá cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ đối với cá nhân thuộc đơn vị, cơ sở trên địa bàn quản lý;
- Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ có giá trị sử dụng trên phạm vi cả nước.
Võ Tấn Đại