Cách xác định giá thành sản xuất hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước (Hình từ internet)
Ngày 01/7/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 45/2024/TT-BTC về phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, trong đó có quy định liên quan đến chi phí khấu hao tài sản cố định trực tiếp trong giá thành sản xuất hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước.
Cụ thể, theo Điều 9 Thông tư 45/2024/TT-BTC đã quy định về giá thành sản xuất hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước như sau:
- Chi phí vật tư trực tiếp bao gồm chi phí nguyên liệu, vật liệu, công cụ, thuốc, hóa chất, dụng cụ, nhiên liệu, năng lượng và các vật tư khác (sau đây gọi tắt là vật tư) sử dụng trực tiếp cho sản xuất hàng hóa, dịch vụ.
Chi phí vật tư xác định như sau:
Chi phí vật tư = Mức tiêu hao vật tư x Giá vật tư
+ Mức tiêu hao vật tư xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan nhà nước ban hành;
+ Giá vật tư
Giá vật tư dùng để tính giá hàng hóa, dịch vụ được xác định phù hợp với tiêu chuẩn, chủng loại và chất lượng vật tư sử dụng, gắn với vị trí nơi sản xuất hàng hóa, dịch vụ. Cụ thể như sau:
Đối với vật tư do Nhà nước định giá: tính giá theo quy định của Nhà nước cộng (+) chi phí hợp lý, hợp lệ (nếu có).
Đối với vật tư không thuộc đối tượng Nhà nước định giá: tính theo giá trên hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật trừ các khoản chiết khấu thương mại, giảm giá hàng mua (nếu có) và các khoản giảm trừ khác (nếu có), trường hợp không có đầy đủ hóa đơn, chứng từ thì xác định mức giá theo quy định tại Điều 13, Điều 14 và Điều 15 Thông tư 45/2024/TT-BTC cộng (+) chi phí hợp lý, hợp lệ để đưa vật tư về đến kho của đơn vị (nếu có). Trường hợp vật tư mua của hộ, cá nhân bán ra không có hóa đơn theo quy định của pháp luật về thuế thì phải lập bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào không có hóa đơn theo quy định của pháp luật về thuế.
Đối với vật tư trực tiếp nhập khẩu đưa vào sản xuất: tính theo giá vốn nhập khẩu quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư 45/2024/TT-BTC.
Đối với vật tư tự chế: tính theo giá thực tế xuất kho cộng (+) chi phí hợp lý, hợp lệ trong quá trình đưa vào sản xuất (nếu có).
Đối với vật tư thuê gia công chế biến: tính theo giá thực tế xuất kho giao gia công cộng (+) chi phí gia công cộng (+) các chi phí hợp lý, hợp lệ khác để đưa vật tư đi gia công (nếu có) và về đến kho của đơn vị (nếu có).
Giá các loại vật tư, thuê gia công chế biến, vận chuyển, bảo quản, thu mua và các khoản chi phí khác (nếu có) phải được ghi trên hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.
- Chi phí nhân công trực tiếp
+ Chi phí nhân công trực tiếp gồm các khoản tiền phải trả cho người lao động trực tiếp sản xuất như chi phí tiền lương, chi phí tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất lương, trích bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn của nhân công trực tiếp sản xuất theo quy định của Bộ luật Lao động, chế độ, chính sách của Nhà nước và pháp luật có liên quan;
+ Chi phí tiền lương xác định như sau:
Chi phí tiền lương = Định mức lao động x Đơn giá tiền lương
Định mức lao động xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Đơn giá tiền lương thực hiện theo quy định pháp luật về tiền lương và pháp luật có liên quan;
+ Chi phí tiền công xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, thoả thuận hợp pháp khác theo quy định pháp luật về lao động, pháp luật có liên quan, quy chế chi tiêu nội bộ đối với đơn vị phải ban hành quy chế chi tiêu nội bộ.
- Chi phí khấu hao tài sản cố định trực tiếp
Chi phí khấu hao tài sản cố định thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.
Trường hợp chi phí khấu hao tài sản cố định trực tiếp phục vụ sản xuất, kinh doanh đã tính trong chi phí sản xuất chung thì không tính tại khoản 3 Điều 9 Thông tư 45/2024/TT-BTC.
- Chi phí sản xuất chung
Chi phí sản xuất chung bao gồm chi phí phục vụ sản xuất chung phát sinh ở phân xưởng, bộ phận, tổ, đội, khoa, công trường và các bộ phận khác (sau đây gọi tắt là phân xưởng) theo quy định pháp luật phục vụ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, gồm:
+ Chi phí nhân viên phân xưởng: là các khoản tiền lương, các khoản phụ cấp có tính chất lương phải trả cho nhân viên quản lý phân xưởng và khoản trích bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn theo quy định của Bộ luật Lao động, chế độ, chính sách của Nhà nước và pháp luật có liên quan;
+ Chi phí vật tư dùng cho phân xưởng như vật tư dùng để sửa chữa tài sản cố định dùng cho phân xưởng, vật tư dùng cho quản lý phân xưởng, chi phí lán trại tạm thời;
+ Chi phí khấu hao tài sản cố định dùng cho hoạt động của phân xưởng thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định. Trường hợp đã tính ở khoản 3 Điều 9 Thông tư 45/2024/TT-BTC thì không tính tại khoản 4 Điều 9 Thông tư 45/2024/TT-BTC;
+ Chi phí dịch vụ mua ngoài phục vụ cho hoạt động của phân xưởng như: chi phí điện, nước, điện thoại, chi phí sửa chữa tài sản cố định, tiền thuê tài sản cố định, chi phí trả cho nhà thầu (nếu có), chi phí mua ngoài khác (nếu có);
+ Chi phí bằng tiền hợp lý, hợp lệ khác theo quy định pháp luật ngoài các chi phí đã nêu trên phục vụ cho hoạt động của phân xưởng.
- Chi phí hợp lý, hợp lệ khác (nếu có) theo quy định của pháp luật phục vụ sản xuất chưa nêu ở trên.
- Giá tối đa, giá tối thiểu, khung giá, giá cụ thể của hàng hóa, dịch vụ cần định giá được xác định trên cơ sở các thông tin thu thập, phân tích quy định tại Điều 13, Điều 14 Thông tư 45/2024/TT-BTC bảo đảm mức giá xác định phù hợp với nguyên tắc, căn cứ định giá quy định tại Điều 22 Luật Giá.
- Trường hợp định giá cụ thể hàng hóa, dịch vụ thuộc diện nhà nước định giá tối đa, giá tối thiểu, khung giá: giá cụ thể xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư 45/2024/TT-BTC và nằm trong phạm vi khung giá, không cao hơn giá tối đa, không thấp hơn giá tối thiểu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Lê Nguyễn Anh Hào