Mục tiêu phủ sóng 5G đến 99% dân số vào năm 2030

10/08/2024 21:15 PM

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030 được phê duyệt, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030 phủ sóng 5G đến 99% dân số.

Mục tiêu phủ sóng 5G đến 99% dân số vào năm 2030

Mục tiêu phủ sóng 5G đến 99% dân số vào năm 2030 (Hình từ Internet)

Mục tiêu phủ sóng 5G đến 99% dân số vào năm 2030

Ngày 07/8/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 805/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm định hướng cho các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan để thực hiện hiệu quả Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông.

Theo Kế hoạch tại Quyết định 805/QĐ-TTg, Thủ tướng đặt ra một số chỉ tiêu cụ thể thực hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông như sau:

(1) Chỉ tiêu đến năm 2025:

* Về mạng bưu chính: Các Trung tâm Bưu chính khu vực và Trung tâm Bưu chính vùng thuộc Mạng bưu chính công cộng theo Quyết định 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2024:

- Các Trung tâm Bưu chính khu vực trên cả nước bảo đảm năng lực khai thác bình quân đạt trên 11.000 tấn bưu gửi/ngày, phạm vi phục vụ bình quân 350 km.

- Các Trung tâm Bưu chính vùng trên cả nước bảo đảm năng lực khai thác bình quân trên 4.500 tấn bưu gửi/ngày, phạm vi phục vụ bình quân 115 km.

- Tổng năng lực khai thác phục vụ của mạng bưu chính đạt trên 93.000 tấn bưu gửi/ngày, thời gian giao hàng liên tỉnh và quốc tế (phần xử lý giữa các trung tâm) tối đa 5 ngày, thời gian giao hàng nội vùng tối đa 2 ngày.

* Về hạ tầng số:

- Mạng băng rộng cố định đáp ứng quy chuẩn quốc gia (QCVN) về chất lượng dịch vụ với mục tiêu phổ cập được tới tất cả các thôn, bản, bảo đảm 100% số hộ gia đình có khả năng tiếp cận cáp quang khi có nhu cầu với 90% người sử dụng có thể truy nhập Internet cố định, tốc độ trung bình 200 Mb/s; 90% các tổ chức kinh tế - xã hội như doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường học, bệnh viện, công sở tại khu vực thành thị có thể truy nhập Internet với tốc độ trung bình 01 Gb/s.

- Mạng băng rộng di động đáp ứng quy chuẩn quốc gia (QCVN) về chất lượng dịch vụ, với mục tiêu tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu 40 Mb/s cho mạng 4G và 100 Mb/s cho mạng 5G; 100% dân số ở độ tuổi trưởng thành có điện thoại thông minh.

- 100% các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo có thể truy nhập Internet với tốc độ tối thiểu 1Gb/s.

- 100% các cơ quan Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến cấp xã được kết nối vào Mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước.

- 100% cơ quan thuộc Chính phủ dùng hệ sinh thái điện toán đám mây phục vụ Chính phủ số.

- 70% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp.

- 100% hạ tầng thiết yếu như giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị có khả năng tích hợp cảm biến và ứng dụng IoT.

- Đạt tối thiểu 1 triệu tên miền “.vn”, chiếm tối thiểu 60% tên miền sử dụng ở Việt Nam.

* Về hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin: Đạt và vượt các chỉ tiêu về ứng dụng công nghệ thông tin tại phần 1, mục II, Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020, các chỉ tiêu tại mục III, Quyết định 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 và các chỉ tiêu tại phần 1a, 2a, mục III, Quyết định 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022.

* Về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số:

- 100% hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước được bảo đảm an toàn theo cấp độ hệ thống thông tin;

- 100% bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện bảo đảm an toàn thông tin mạng theo mô hình 4 lớp;

- 100% thiết bị đầu cuối của các cơ quan nhà nước được cài đặt giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng;

- 100% người sử dụng Internet được tiếp cận thông tin, tài liệu nâng cao nhận thức, kỹ năng và công cụ, dịch vụ an toàn thông tin mạng cơ bản;

- Mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có tối thiểu 01 đơn vị chuyên nghiệp bảo vệ an toàn thông tin mạng, mỗi người dân có tối thiểu 01 công cụ bảo vệ an toàn thông tin mạng;

- Hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng Việt Nam đạt 100% chủng loại, phát triển từ 3 - 5 sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin trọng điểm, chiếm lĩnh thị trường trong nước, có khả năng cạnh tranh quốc tế.

(2) Chỉ tiêu đến năm 2030:

* Về mạng bưu chính: Các Trung tâm Bưu chính khu vực và Trung tâm Bưu chính vùng thuộc Mạng bưu chính công cộng theo Quyết định 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2024:

- Năng lực khai thác bình quân của Trung tâm Bưu chính khu vực đạt trên 15.750 tấn bưu gửi/ngày.

- Các Trung tâm Bưu chính vùng có năng lực khai thác bình quân trên 5.000 tấn bưu gửi/ngày.

* Về hạ tầng số: Hạ tầng mạng truy cập băng rộng cố định được đầu tư, nâng cấp bảo đảm 100% người sử dụng có khả năng truy nhập với tốc độ trên 1Gb/s.; Mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số, hướng tới phát triển mạng di động tiên tiến thế hệ tiếp theo.

* Về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số: 100% cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và trên 50% người dân sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp.

Chia sẻ bài viết lên facebook 1,232

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079