Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện các giải pháp về mức sinh thay thế bền vững
Ngày 15/8/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 27/CT-TTg về tăng cường thực hiện công tác dân số trong tình hình mới.
Cụ thể, tại Chỉ thị 27/CT-TTg năm 2024, công tác dân số hiện nay có những tồn tại, hạn chế, bất cập như: mức sinh thay thế chưa thực sự bền vững; chưa có giải pháp đồng bộ, toàn diện thích ứng với già hóa dân số; tuổi thọ trung bình cao nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp; chất lượng dân số chậm được cải thiện…
Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác dân số, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện một số nội dung.
Trong đó, Thủ tướng đã có yêu cầu với Bộ Y tế như sau:
- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác dân số, nhất là các giải pháp để duy trì mức sinh thay thế bền vững, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số và nâng cao chất lượng dân số.
- Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số, trọng tâm là các giải pháp để duy trì mức sinh thay thế bền vững trên phạm vi cả nước phù hợp giữa các vùng, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Dân số, báo cáo Chính phủ theo chỉ đạo tại Quyết định 53/QĐ-TTg năm 2024.
- Khẩn trương thực hiện việc kiện toàn nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân số các cấp tại Quyết định 496/QĐ-TTg năm 2021.
Xem thêm Chỉ thị 27/CT-TTg ban hành ngày 15/8/2024.
Cụ thể, tại Điều 10 đề cương dự thảo Luật Dân số về quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con đã đề xuất quy định như sau:
- Quyền của cặp vợ chồng, cá nhân (Quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh; được cung cấp thông tin, tiếp cận, lựa chọn, sử dụng các biện pháp kế hoạch hoá gia đình).
- Nghĩa vụ của cặp vợ chồng, cá nhân (Thực hiện chính sách, pháp luật về dân số; bảo đảm trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt; bình đẳng trong thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình).
- Khuyến khích mỗi cặp vợ chồng và cá nhân tự nguyện thực hiện các cuộc vận động của Đảng và Nhà nước về công tác dân số phù hợp với từng thời kỳ.
Như vậy, đề cương dự thảo trên đã đề cập quyền của cặp vợ chồng, cá nhân được quyết định về số con và khoảng cách giữa các lần sinh, mà không còn quy định về số con được sinh chỉ từ 1 đến 2 con như quy định hiện nay. Bên cạnh đó, phải có trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt và các nghĩa vụ khác liên quan đến chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình.
Đề xuất quy định trên nhằm mong muốn tránh được tình trạng mức sinh xuống quá thấp thời gian gần đây, đặc biệt tại các khu vực đô thị, gây già hóa dân số, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Hiện hành, theo quy định tại Điều 10 Pháp lệnh dân số 2003, sửa đổi bởi Pháp lệnh sửa đổi điều 10 Pháp lệnh dân số 2008 đã quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1 đến 2 con như sau: Quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản: - Quyết định thời gian và khoảng cách sinh con; - Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định; - Bảo vệ sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến sức khỏe sinh sản. |
Cụ thể, tại Điều 9 đề cương dự thảo Luật Dân số về các biện pháp thực hiện điều chỉnh mức sinh như sau:
- Các biện pháp thực hiện điều chỉnh mức sinh:
+ Tuyên truyền vận động, truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi của cặp vợ chồng, cá nhân, gia đình và xã hội trong việc thực hiện chính sách dân số; thực hiện các biện pháp điều chỉnh mức sinh;
+ Xác định chỉ tiêu điều chỉnh mức sinh là chỉ tiêu chủ yếu trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
+ Lồng ghép các nội dung về điều chỉnh mức sinh, kế hoạch hoá gia đình trong xây dựng, triển khai thực hiện các chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội;
+ Xây dựng, thực hiện các chính sách hỗ trợ phù hợp với từng vùng, đối tượng, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của cả nước, từng tỉnh, thành phố;
+ Phát triển dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, sử dụng dịch vụ dân số công bằng, bình đẳng, không phân biệt giới tính, người đã kết hôn, người chưa kết hôn;
+ Thực hiện chương trình tư vấn trước khi kết hôn;
+ Cặp vợ chồng, cá nhân trong độ tuổi sinh đẻ, người muốn sinh con được tư vấn hướng dẫn phòng tránh vô sinh; thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị vô sinh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh;
+ Đưa nội dung về điều chỉnh mức sinh vào hương ước, quy ước của thôn, ấp, bản, tổ dân phố trên cơ sở tự nguyện, thỏa thuận, thống nhất của thôn, ấp, bản, tổ dân phố;
+ Cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và các gói dịch vụ dân số cơ bản phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế, xã hội và đặc trưng văn hóa;
+ Các biện pháp khác thực hiện điều chỉnh mức sinh.
- Trách nhiệm thực hiện của các bộ ngành; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; người sử dụng lao động.
Như vậy, đề cương dự thảo Luật Dân số đã đề xuất nhiều biện pháp về cải thiện mức sinh mới như: thực hiện chương trình tư vấn trước khi kết hôn; đưa nội dung về điều chỉnh mức sinh vào hương ước, quy ước của thôn, ấp, bản, tổ dân phố trên cơ sở tự nguyện, thỏa thuận, thống nhất của thôn, ấp, bản, tổ dân phố,...