Hướng dẫn xây dựng dự thảo đề án phát triển kinh tế số vùng Tây Nguyên đến năm 2030 (Hình từ Internet)
Ngày 06/10/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn 7261/VPCP-KSTT về Dự thảo Đề án phát triển kinh tế số vùng Tây Nguyên đến năm 2030.
Theo nội dung được quy định tại Công văn 7261/VPCP-KSTT năm 2024 gửi cho Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thì việc xây dựng dự thảo đề án phát triển kinh tế số vùng Tây Nguyên đến năm 2030 được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình hướng dẫn cụ thể như sau:
(1) Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan rà soát, hoàn thiện dự thảo Đề án phát triển kinh tế số vùng Tây Nguyên đến năm 2030 theo hướng:
- Nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan về kinh phí thực hiện Đề án phát triển kinh tế số vùng Tây Nguyên đến năm 2030; khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ quản lý công dân trên địa bàn, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; phát triển thương mại điện tử và kinh tế số bền vững, theo liên kết vùng, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa và sản phẩm địa phương;…
- Rà soát các nhiệm vụ, giải pháp để tránh trùng lặp, bảo đảm thống nhất với các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 175/NQ-CP năm 2023, Quyết định 36/QĐ-TTg năm 2024;
- Thống nhất với Bộ Công an về các nhiệm vụ xây dựng Trung tâm dữ liệu; với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo,…
Về những nhiệm vụ được giao chủ trì thực hiện và các nội dung liên quan tại dự thảo Đề án phát triển kinh tế số vùng Tây Nguyên đến năm 2030.
(2) Bộ Thông tin và Truyền thông trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án phát triển kinh tế số vùng Tây Nguyên đến năm 2030 trong tháng 10/2024.
Ngoài ra, trong Quyết định 377/QĐ-TTg năm 2024 thì Thủ tướng Chính phủ có hướng dẫn về việc Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 như sau:
- Mục tiêu tổng quát
Đến năm 2030, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến; trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số. Hệ thống thiết chế văn hóa được nâng cấp; giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học được bảo tồn và phát triển; rừng đầu nguồn được bảo vệ; an ninh nguồn nước được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, duy trì ổn định. Phấn đấu đến năm 2030 vùng Tây Nguyên vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
- Tầm nhìn đến năm 2050
Tây Nguyên là vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Không gian sinh thái, giàu bản sắc văn hóa. Hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển. Kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, là các nền tảng quan trọng thúc đẩy Tây Nguyên kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Bản sắc văn hóa được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Đến năm 2050, một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước.
Xem thêm Công văn 7261/VPCP-KSTT ban hành ngày 06/10/2024.