Đã có dự thảo Thông tư về mã số, tiêu chuẩn và xếp lương các ngạch pháp chế viên (Hình từ internet)
Mới đây, Bộ Tư pháp đã công bố dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch pháp chế viên. Nhằm cụ thể hóa khoản 12 Điều 1 Nghị định 56/2024/NĐ-CP, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc quản lý và sử dụng người làm công tác pháp chế, bảo đảm quyền lợi cho người làm công tác pháp chế.
Cụ thể, dự thảo Thông tư trên đề xuất mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch pháp chế viên, gồm pháp chế viên, pháp chế viên chính, pháp chế viên cao cấp.
Dự kiến, dự thảo Thông tư này áp dụng đối với công chức các ngạch pháp chế viên tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với người làm công tác pháp chế trong quân đội nhân dân, công an nhân dân thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.
Dưới đây là đơn cử một vài nội dung quy định được đề xuất tại dự thảo Thông tư:
- Pháp chế viên: Mã số 15.001.
- Pháp chế viên chính: Mã số 15.002.
- Pháp chế viên cao cấp: Mã số 15.003.
(Điều 3 dự thảo Thông tư)
- Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan.
- Công chức dự thi nâng ngạch, xét nâng ngạch, chuyển ngạch phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và các quy định khác của pháp luật.
(Điều 4 dự thảo Thông tư)
- Chức trách
+ Tham mưu, tham gia nghiên cứu xây dựng chính sách; tham mưu, tham gia xây dựng, thẩm định, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, dự án, đề án;
+ Tham mưu, tham gia tổ chức triển khai thực thi các nhiệm vụ chuyên môn theo mảng công việc được phân công và theo quy định của pháp luật.
- Nhiệm vụ
+ Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Chương II Nghị định 55/2011/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 56/2024/NĐ-CP);
+ Thực hiện các nhiệm vụ theo bản mô tả vị trí việc làm pháp chế viên tại Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định vị trí việc làm về công tác pháp chế trong cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.
- Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
+ Hiểu và có khả năng vận dụng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan, văn bản của cấp trên trong công tác pháp chế;
+ Có kiến thức, hiểu biết về các lĩnh vực pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến công tác pháp chế và có khả năng áp dụng các kiến thức, kĩ năng chuyên môn nghiệp vụ trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao;
+ Có khả năng soạn thảo, góp ý, thẩm định các văn bản liên quan đến chức trách, nhiệm vụ được giao;
+ Có khả năng tham gia nghiên cứu tổng kết kinh nghiệm và thực tiễn công tác pháp chế;
+ Có khả năng hướng dẫn áp dụng pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ về pháp chế;
+ Có khả năng làm việc độc lập, làm việc nhóm và phối hợp với các đơn vị, cá nhân có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao;
+ Có năng lực sử dụng công nghệ thông tin và ngoại ngữ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
+ Có trình độ cử nhân luật trở lên;
+ Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ pháp chế do Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp cấp;
+ Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên và tương đương.
- Người dự thi, xét chuyển vào ngạch pháp chế viên theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức thì ngoài các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này, Điều 29 và Điều 30 Nghị định 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức còn phải có ít nhất 02 năm (đủ 24 tháng) được tính cộng dồn thực hiện một trong các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Chương II của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 56/2024/NĐ-CP), không kể thời gian tập sự tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký.
(Điều 5 dự thảo Thông tư)
- Công chức các ngạch pháp chế được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong cơ quan Nhà nước theo quy định của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang như sau:
+ Ngạch pháp chế viên (mã số 15.001) áp dụng bảng lương công chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;
+ Ngạch pháp chế viên chính (mã số 15.002) áp dụng bảng lương công chức loại A2, nhóm A..., từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;
+ Ngạch pháp chế viên cao cấp (mã số 15.003) áp dụng bảng lương công chức loại A3, nhóm A..., từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00.
- Công chức sau khi được chuyển ngạch vào các ngạch pháp chế theo quy định tại Nghị định 55/2011/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 56/2024/NĐ-CP) và dự thảo Thông tư này được xếp lương theo Thông tư của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức.
Dự kiến, nếu được ban hành thì dự thảo Thông tư này là căn cứ để thực hiện việc quản lý và sử dụng công chức các ngạch pháp chế viên.
Xem thêm nội dung tại dự thảo Thông tư.