Tổng cục Hải quan hướng dẫn kiểm tra, xử lý đối với các lô hàng quá thời hạn làm thủ tục hải quan

07/11/2024 10:30 AM

Bài viết sau có nội dung về việc kiểm tra, xử lý đối với các lô hàng quá thời hạn làm thủ tục hải quan được Tổng cục Hải quan hướng dẫn trong Công văn 5294/TCHQ-GSQL năm 2024.

Tổng cục Hải quan hướng dẫn kiểm tra, xử lý đối với các lô hàng quá thời hạn làm thủ tục hải quan

Tổng cục Hải quan hướng dẫn kiểm tra, xử lý đối với các lô hàng quá thời hạn làm thủ tục hải quan (Hình từ Internet)

Ngày 30/10/2024, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn 5294/TCHQ-GSQL tăng cường quản lý, giám sát hải quan đối với hàng hóa đưa vào, lưu giữ, đưa ra cảng, kho, bãi.

Tổng cục Hải quan hướng dẫn kiểm tra, xử lý đối với các lô hàng quá thời hạn làm thủ tục hải quan

Theo nội dung được quy định trong Công văn 5294/TCHQ-GSQL năm 2024 thì đối với công tác kiểm tra, xử lý đối với các lô hàng quá thời hạn làm thủ tục hải quan được Tổng cục Hải quan hướng dẫn như sau:

(1) Đối với hàng hóa lưu giữ từ 30 ngày đến 90 ngày tại cảng, kho, bãi:

- Đối với các lô hàng nhập khẩu chưa làm thủ tục hải quan, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa căn cứ thông tin Bản khai hàng hóa (Emanifest) và nguồn thông tin khác (nếu có) để phân tích, đánh giá rủi ro và áp dụng kiểm tra qua soi chiếu hoặc áp dụng các biện pháp kiểm soát phù hợp đối với các lô hàng có dấu hiệu vi phạm, rủi ro cao; cập nhật kết quả soi chiếu trên Hệ thống (nếu có).

- Khi doanh nghiệp đăng ký tờ khai, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai căn cứ kết quả phân luồng trên hệ thống, hồ sơ hải quan, dấu hiệu vi phạm, dấu hiệu rủi ro, kết quả soi chiếu (nếu có) để quyết định việc thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa, xử lý vi phạm (nếu có) và giải quyết thủ tục hải quan theo quy định.

(2) Đối với hàng hóa lưu giữ quá 90 ngày tại cảng, kho, bãi:

Định kỳ ngày 15 hàng tháng, Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa thực hiện thống kê, rà soát, tra cứu số liệu hàng hóa đến cảng, kho, bãi quá 90 ngày trên hệ thống nhưng chưa làm thủ tục hải quan đối chiếu với số liệu do doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi theo dõi để xác định số liệu về hàng hóa lưu giữ quá 90 ngày và hàng hóa tồn đọng. Trường hợp quá 90 ngày không có người đến nhận, Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa thông báo tìm chủ hàng theo quy định tại Điều 8 Thông tư 203/2014/TT-BTC và xử lý như sau:

- Trong thời hạn thông báo tìm chủ hàng nếu có người đến nhận hàng và đăng ký tờ khai, Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa được trang bị máy soi thực hiện soi chiếu và cập nhật kết quả soi chiếu trên Hệ thống (trừ trường hợp lô hàng đã thực hiện soi chiếu và trường hợp hàng hóa không phù hợp để kiểm tra qua máy soi theo Quyết định 2056/QĐ-TCHQ năm 2024 của Tổng cục Hải quan).

Trường hợp không có máy soi và hàng hóa được chuyển về địa điểm kiểm tra ngoài cửa khẩu thì Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa bàn giao hàng hóa (bao gồm thông tin hàng hóa chưa được soi chiếu) cho Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai để chuyển luồng kiểm tra thực tế; theo dõi, xử lý vi phạm (nếu có) và giải quyết tiếp thủ tục hải quan theo quy định.

- Trường hợp quá thời hạn thông báo tìm chủ hàng mà không có người đến nhận, Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa báo cáo Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố quyết định thành lập Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng để tiến hành kiểm kê, phân loại hàng hóa tồn đọng theo quy định tại Điều 12 Thông tư 203/2014/TT-BTC. Sau khi kiểm kiểm kê, phân loại hàng hóa:

+ Nếu xác định là hàng cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa là phế liệu không đáp ứng điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật môi trường, hàng hóa không có giấy phép, không đủ điều kiện nhập khẩu theo quy định (như hàng tiêu dùng đã qua sử dụng; linh kiện, phụ tùng đã qua sử dụng thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu; vật tư, phương tiện, máy móc thiết bị đã qua sử dụng...): Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa xác định đối tượng vi phạm, hành vi vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Luật Hải quan 2014, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Nghị định 128/2020/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Trường hợp xác định có dấu hiệu hình sự thì cơ quan hải quan tiến hành điều tra, xác minh và xử lý theo chức năng, thẩm quyền.

+ Xử lý tái xuất đối với hàng hóa quá thời hạn làm thủ tục hải quan:

Đối với các lô hàng quá thời hạn làm thủ tục hải quan và không nằm trong danh sách điều tra của cơ quan có thẩm quyền, trên cơ sở văn bản đề nghị của người vận tải hoặc chủ sở hữu hàng hóa, căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 48 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ( sửa đổi Nghị định 59/2018/NĐ-CP) và quy định tại Điều 95, Điều 96, Điều 52b Thông tư 38/2015/TT-BTC (sửa đổi Thông tư 39/2018/TT-BTC), Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa quyết định kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp xác định có dấu hiệu vi phạm, xem xét giải quyết thủ tục tái xuất và tổ chức giám sát cho đến khi toàn bộ lô hàng thực xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam tại cửa khẩu nhập; không yêu cầu tái xuất về nước xuất khẩu ban đầu.

+ Xử lý tiêu hủy đối với hàng hóa quá thời hạn làm thủ tục hải quan:

Căn cứ quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Nghị định 29/2018/NĐ-CP, Thông tư 203/2014/TT-BTCThông tư 57/2018/TT-BTC và các quy định liên quan, Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa thực hiện rà soát, đối chiếu thông tin với DNKD cảng, kho, bãi và người vận chuyển để xác định hàng hóa thuộc trường hợp phải tiêu hủy và thực hiện như sau:

++ Trên cơ sở văn bản của cơ quan có thẩm quyền hoặc văn bản đề nghị tiêu hủy của người vận chuyển gửi kèm các chứng từ chứng minh tư cách pháp nhân của đơn vị thực hiện tiêu hủy, Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa kiểm tra, đối chiếu thông tin hồ sơ, nếu xác định: đơn vị tiêu hủy đủ hồ sơ năng lực, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép tiêu hủy; lượng hàng hóa đưa vào tiêu hủy phù hợp với công suất, tiến độ và phương án tiêu hủy; mặt hàng đưa vào tiêu hủy phù hợp với phạm vi xử lý của doanh nghiệp thì tổng hợp, xây dựng kế hoạch tổ chức tiêu hủy báo cáo Cục Hải quan tỉnh, thành phố hoặc Chủ tịch Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng phê duyệt, trong đó xác định rõ danh sách chi tiết hàng hóa, tên hãng tàu, đơn vị tiêu hủy, thời gian dự kiến, phương án tiêu hủy, trách nhiệm của Hội đồng xử lý tiêu hủy.

++ Không chấp nhận phê duyệt phương án tiêu hủy đối với các đơn vị tiêu hủy không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật môi trường hoặc đã bị xử lý vi phạm do không thực hiện đúng các phương án tiêu hủy đã được cơ quan hải quan phê duyệt hoặc đưa hàng hóa thuộc diện tiêu hủy vào tiêu thụ nội địa hoặc sử dụng cho các mục đích khác.

++ Tổ chức giám sát chặt chẽ hàng hóa trong quá trình vận chuyển từ cảng, kho, bãi đến các địa điểm thực hiện tiêu hủy; từ khi cắt niêm phong, đưa hàng hóa vào tiêu hủy đến khi kết thúc tiêu hủy, đảm bảo hàng hóa đưa đi tiêu hủy không thẩm lậu vào nội địa.

Việc giám sát hàng hóa tiêu hủy thực hiện thông qua phương thức giám sát trực tiếp hoặc giám sát bằng phương tiện kỹ thuật.

++ Quá trình bàn giao hàng hóa đưa vào tiêu hủy cho doanh nghiệp và đơn vị thực hiện tiêu hủy; kết thúc quá trình tiêu hủy phải được lập biên bản có xác nhận của các bên có liên quan, lưu hình ảnh, biên bản vào Hồ sơ xử lý tiêu hủy; cập nhật kết quả tiêu hủy theo mẫu Phụ lục 2 hoặc Phụ lục 3 đính kèm Công văn 5294/TCHQ-GSQL năm 2024.

- Sau khi tiến hành kiểm kê, phân loại, Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng tiến hành lập hồ sơ, báo cáo Cục trưởng Cục Hải quan quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với hàng hóa tồn đọng và phương án xử lý theo quy định tại Nghị định 29/2018/NĐ-CP; Thông tư 203/2014/TT-BTC, Thông tư 57/2018/TT-BTC để thực hiện.

- Về xử lý các khoản chi phí phát sinh:

Căn cứ quy định tại Điều 12 Thông tư 57/2018/TT-BTC, các khoản chi phí phát sinh trước thời điểm có quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản của cơ quan có thẩm quyền (bao gồm cả chi phí kiểm kê, phân loại; chi phí giám định để xác định hàng hóa vi phạm, giá trị tài sản còn lại....) do doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng; doanh nghiệp đại lý, hãng tàu có liên quan chi trả.

Xem thêm Công văn 5294/TCHQ-GSQL ban hành ngày 30/10/2024.

Chia sẻ bài viết lên facebook 580

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079