Hướng dẫn rà soát, đề xuất các cơ chế đặc thù trình Quốc hội đối với các dự án đường bộ cao tốc (Hình từ Internet)
Ngày 04/11/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn 8083/VPCP-CN rà soát, đề xuất các cơ chế đặc thù trình Quốc hội đối với các dự án đường bộ cao tốc.
Theo nội dung được quy định trong Công văn 8083/VPCP-CN năm 2024 thì việc rà soát, đề xuất các cơ chế đặc thù trình Quốc hội đối với các dự án đường bộ cao tốc được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ như sau:
(1) Giao Bộ Giao thông vận tải:
- Sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ 2024, trong đó quy định cụ thể nội dung về việc giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý quốc lộ để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh và khả năng bố trí nguồn lực của địa phương (hoàn thành trong Quý IV năm 2024).
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, các cơ quan liên quan và các địa phương rà soát các dự án đường bộ cao tốc đang tổ chức triển khai thi công trên toàn quốc. Trường hợp phát hiện khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải tại kỳ họp gần nhất, trong đó cần xác định rõ thẩm quyền giải quyết thuộc Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, chủ đầu tư, nhà thầu để báo cáo Trưởng ban chỉ đạo.
(2) Giao Bộ Tài chính giải trình đầy đủ với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội để sớm thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán 2019; Luật Kế toán 2015; Luật Kiểm toán độc lập 2011; Luật Ngân sách nhà nước 2015; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017; Luật Quản lý thuế 20109; Luật Dự trữ quốc gia 2012.
(3) Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường giải trình đầy đủ với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội để sớm thông qua Luật Địa chất và Khoáng sản, bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi về thời gian và thủ tục trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến đất rừng, đất
(4) Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì, giải trình đầy đủ với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội để sớm thông qua Dự án Luật Đầu tư công 2019 (sửa đổi) theo hướng phân cấp, phân quyền cho “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch 2017, Luật Đầu tư 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác tác công tư 2020 và Luật Đấu thầu 2023.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, khẩn trương đánh giá, tổng kết kết quả thực hiện Nghị quyết 106/2023/QH15, tổng hợp trình Chính phủ cho ý kiến trước khi báo cáo Quốc hội theo quy định tại Nghị quyết 106/2023/QH15.
(5) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động nguồn vật liệu của địa phương hoặc đề xuất điều hòa, điều chuyển từ các địa phương khác. Trường hợp cần thiết đề xuất với Bộ Giao thông vận tải để tổng hợp, báo cáo Ban chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan biết, thực hiện.
Xem thêm Công văn 8083/VPCP-CN ban hành ngày 04/11/2024.