Từ năm 2025, bài kiểm tra phục hồi điểm bằng lái xe sẽ có 1 câu điểm liệt (Hình từ internet)
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư 65/2024/TT-BCA ngày 12/11/2024 quy định kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ để được phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Theo đó, số lượng câu hỏi lý thuyết của bài kiểm tra phục hồi bằng lái xe của mỗi hạng như sau:
STT |
Hạng GPLX |
Số câu hỏi trắc nghiệm |
Đạt/không đạt yêu cầu |
1 |
Hạng A1 |
25 câu hỏi trắc nghiệm. Có 1 câu hỏi được tính là điểm liệt |
Đạt từ 21/25 điểm trở lên nhưng trả lời sai vào câu hỏi được tính là điểm liệt thì không đạt yêu cầu |
2 |
Hạng A, B1 |
25 câu hỏi trắc nghiệm. Có 1 câu hỏi được tính là điểm liệt |
Đạt từ 23/25 điểm trở lên nhưng trả lời sai vào câu hỏi được tính là điểm liệt thì không đạt yêu cầu |
3 |
Hạng B |
30 câu hỏi trắc nghiệm. Có 1 câu hỏi được tính là điểm liệt |
Đạt từ 27/30 điểm trở lên là đạt yêu cầu. Trường hợp kết quả từ 27/30 điểm trở lên nhưng trả lời sai vào câu hỏi được tính là điểm liệt thì không đạt yêu cầu |
4 |
Hạng C1 |
35 câu hỏi trắc nghiệm. Có 1 câu hỏi được tính là điểm liệt |
Đạt từ 32/35 điểm trở lên là đạt yêu cầu. Trường hợp kết quả từ 32/35 điểm trở lên nhưng trả lời sai vào câu hỏi được tính là điểm liệt thì không đạt yêu cầu |
5 |
Hạng C |
40 câu hỏi trắc nghiệm. Có 1 câu hỏi được tính là điểm liệt |
đạt từ 36/40 điểm trở lên là đạt yêu cầu. Trường hợp kết quả từ 36/40 điểm trở lên nhưng trả lời sai vào câu hỏi được tính là điểm liệt thì không đạt yêu cầu |
6 |
Hạng D1, D2, D, BE, C1Q, CE, D1E, D2E, DE |
45 câu hỏi trắc nghiệm. Có 1 câu hỏi được tính là điểm liệt |
Đạt từ 41/45 điểm trở lên là đạt yêu cầu. Trường hợp kết quả từ 41/45 điểm trở lên nhưng trả lời sai vào câu hỏi được tính là điểm liệt thì không đạt yêu cầu. |
Như vậy, bài kiểm tra phục hồi điểm bằng lái xe sẽ có 1 câu điểm liệt, nếu người tham gia kiểm tra có trả lời đúng hết các câu hỏi còn lại nhưng sai ở câu điểm liệt thì cũng không đạt yêu cầu.
* Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra
Thời gian tổ chức kiểm tra được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử thuộc phạm vi quản lý;
Hồ sơ đăng ký kiểm tra nộp cơ quan có thẩm quyền kiểm tra trước ngày đăng ký kiểm tra một trong các hình thức sau: trực tuyến tại Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, qua Ứng dụng định danh quốc gia; qua dịch vụ bưu chính; trực tiếp.
Trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến, người đăng ký kiểm tra thực hiện kê khai đầy đủ thông tin, đính kèm hồ sơ và đăng ký ngày kiểm tra, lựa chọn cơ quan có thẩm quyền kiểm tra.
Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phân công cán bộ kiểm tra hồ sơ, viết giấy hẹn ghi rõ thời gian, địa điểm tổ chức kiểm tra.
(Khoản 4 Điều 7 Thông tư 65/2024/TT-BCA)
* Bước 2: Thông báo thời gian tổ chức kiểm tra
- Trước ngày kiểm tra ít nhất 02 ngày làm việc sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra thông báo cho người đã đăng ký kiểm tra trước đó về thời gian, địa điểm kiểm tra qua địa chỉ email hoặc tin nhắn điện thoại ghi trong đơn đề nghị;
- Trường hợp thay đổi thời gian, địa điểm kiểm tra đã thông báo trước đó thì cơ quan có thẩm quyền kiểm tra phải thông báo cho người đã đăng ký kiểm tra trước đó qua địa chỉ email hoặc tin nhắn điện thoại ghi trong đơn đề nghị về thời gian, địa điểm kiểm tra.
(Khoản 4 Điều 7 Thông tư 65/2024/TT-BCA)
* Bước 3: Người lái xe đến trực tiếp để kiểm tra phục hồi điểm bằng lái xe
- Người dự kiểm tra có mặt theo đúng thời gian, địa điểm đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra thông báo và sử dụng một trong các loại giấy tờ:
+ Thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân;
+ Bằng lái xe;
+ Giấy chứng nhận căn cước (đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch);
+ Thẻ thường trú, thẻ tạm trú (đối với người nước ngoài) để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra đối chiếu thông tin với thông tin trong đơn đề nghị.
Trường hợp thông tin của người dự kiểm tra có trong căn cước điện tử, hệ thống định danh và xác thực điện tử qua ứng dụng định danh quốc gia thì khai thác, sử dụng để đối chiếu với thông tin của người dự kiểm tra trong đơn đề nghị.
- Người dự kiểm tra thực hiện đăng nhập vào phần mềm kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và thực hiện nội dung kiểm tra theo hướng dẫn của cán bộ kiểm tra. Người dự kiểm tra phải chấp hành nội quy tại nơi tổ chức kiểm tra.
Người dự kiểm tra là người nước ngoài, người dân tộc thiểu số không biết đọc, biết viết tiếng Việt khi đến kiểm tra sử dụng người phiên dịch do cơ quan có thẩm quyền kiểm tra thuê người phiên dịch. Khi thực hiện nội dung kiểm tra, người phiên dịch phải dịch đúng, đủ câu hỏi trong phần mềm, giải thích, hướng dẫn đầy đủ cách thức kiểm tra để người dự kiểm tra thực hiện.
- Kết thúc thời gian kiểm tra, người dự kiểm tra ký biên bản.
Trường hợp người dự kiểm tra là người nước ngoài, người dân tộc thiểu số có người phiên dịch thì người dự kiểm tra và người phiên dịch ký tên hoặc điểm chỉ tại vị trí ký tên trong biên bản kiểm tra.
Biên bản kiểm tra được lập thành 02 bản, 01 bản lưu trữ tại cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, 01 bản giao cho người dự kiểm tra.
(Khoản 5, 6, 7 Điều 7 Thông tư 65/2024/TT-BCA)