Tổng cục Hải quan hướng dẫn phân loại tai nghe không dây (Hình từ Internet)
Ngày 20/11/2024, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn 5706/TCHQ-TXNK phân loại tai nghe không dây.
Theo đó, qua rà soát cơ sở dữ liệu về phân loại hàng hóa, cập nhật thông tin hướng dẫn của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) đối với việc phân loại mặt hàng tai nghe không dây thì Tổng cục Hải quan đã hướng dẫn trong Công văn 5706/TCHQ-TXNK năm 2024 như sau:
- Căn cứ Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát, kiểm soát hải quan, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP;
- Căn cứ Thông tư 14/2015/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa, phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 17/2021/TT-BTC;
- Căn cứ Thông tư 31/2022/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam;
- Tham khảo Chú giải chi tiết HS 2022; Tuyển tập ý kiến phân loại 2024 của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) bản cập nhật mới nhất,
(1) Về việc phân loại tai nghe không dây:
Mặt hàng tai nghe không dây là tai nghe có hoặc không có khung chụp qua đầu, có hoặc không tích hợp mic, dùng để kết nối (ghép đôi) với những thiết bị điện tử có hỗ trợ phương thức truyền tín hiệu âm thanh qua sóng vô tuyến (ví dụ: sóng bluetooth) như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay, đồng hồ thông minh, máy nghe nhạc... (sau đây gọi chung các thiết bị ghép đôi với tai nghe không dây là “thiết bị chủ”) để nhận (và truyền - trong trường hợp tích hợp mic) tín hiệu âm thanh với thiết bị chủ thông qua sóng vô tuyến.
Sau khi ghép đôi với thiết bị chủ, thiết bị tai nghe không dây được xem xét trong phạm vi hướng dẫn này có các chức năng sau đây:
- Nhận tín hiệu file âm thanh từ thiết bị chủ và điều khiển phát file âm thanh cho người dùng (như: nghe nhạc, nghe các tệp tin âm thanh...), và/hoặc
- Điều khiển thiết bị chủ để thực hiện cuộc gọi, trả lời, từ chối hoặc kết thúc cuộc gọi.
Mặt hàng có mô tả như trên phù hợp phân loại vào nhóm 85.18, phân nhóm 8518.30. Mã số chi tiết tuỳ thuộc theo đặc tính của sản phẩm.
(2) Về các văn bản đã ban hành của Tổng cục Hải quan liên quan đến mặt hàng tai nghe không dây:
- Đối với Thông báo kết quả xác định trước mã số số 4987/TB-TCHQ ngày 27/7/2017:
Tổng cục Hải quan đã ban hành Thông báo kết quả xác định trước mã số số 4987/TB-TCHQ ngày 27/7/2017 đối với mặt hàng tai nghe không dây Bluetooth Headset HBS-510.
Theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 24 Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về biện pháp thi hành Luật Hải quan 2014 về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát Hải quan (sửa đổi Nghị định 59/2018/NĐ-CP):
“Điều 24. Thủ tục xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan
...6. Hiệu lực của văn bản thông báo kết quả xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan: a) Văn bản thông báo kết quả xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan có hiệu lực tối đa không quá 03 năm kể từ ngày Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ký ban hành...”.
Đối chiếu với quy định nêu trên, Thông báo kết quả xác định trước mã số số 4987/TB-TCHQ ngày 27/7/2017 đã hết hiệu lực áp dụng kể từ ngày 27/7/2020. Đề nghị các Cục Hải quan tỉnh, thành phố không tra cứu, sử dụng Thông báo kết quả xác định trước mã số này trong công tác nghiệp vụ.
- Đối với các văn bản hướng dẫn phân loại hàng hóa:
Đối với các văn bản hướng dẫn phân loại mặt hàng tai nghe không dây vào các mã số khác với mã số được hướng dẫn tại Công văn 5706/TCHQ-TXNK năm 2024 (như: Công văn 6895/TCHQ-TXNK năm 2019...), đề nghị các Cục Hải quan tỉnh, thành phố không tiếp tục áp dụng để phân loại hàng hóa. Việc phân loại mặt hàng tai nghe không dây được áp dụng theo công văn này kể từ ngày ký.
Tổng cục Hải quan thông báo để các Cục Hải quan tỉnh, thành phố được biết và thực hiện.
Xem thêm Công văn 5706/TCHQ-TXNK năm 2024 ban hành ngày 201/11/2024.