Đường Hồ Chí Minh trên biển được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt

28/11/2024 08:53 AM

Tại Quyết định 1473/QĐ-TTg năm 2024, đã xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Đường Hồ Chí Minh trên biển được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt

Đường Hồ Chí Minh trên biển được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (Hình từ internet)

Ngày 26/11/2024, Thủ tướng ban hành Quyết định 1473/QĐ-TTg về xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Đường Hồ Chí Minh trên biển được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt

Cụ thể, tại Điều 1 Quyết định 1473/QĐ-TTg năm 2024, đã quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển cho TP Hải Phòng (nơi có cảng xuất phát) và các tỉnh Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau.

Đường Hồ Chí Minh trên biển là tên gọi của tuyến hậu cần chiến lược trên Biển Đông, đảm bảo nhiệm vụ vận tải quân sự đặc biệt, do Hải quân nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam thực hiện bí mật trên Biển Đông.

Đây một con đường huyền thoại của dân tộc, con đường của khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Cùng với tuyến Đường Hồ Chí Minh trên bộ, đường Hồ Chí Minh trên biển đã kết nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, vận chuyển kịp thời, hiệu quả vũ khí và lực lượng, góp phần quan trọng vào Đại thắng mùa Xuân 1975.

Ngoài ra, Quyết định 1473/QĐ-TTg năm 2024 còn xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho 05 di tích khác trong đợt thứ 16 của năm 2024 này, gồm có:

- Di tích kiến trúc nghệ thuật Quần thể di tích đình, đền, chùa Tiên Lục (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang).

- Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Đinh Bảng (thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

- Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Đa Hòa - Dạ Trạch (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên).

- Di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).

- Di tích lịch sử Trận địa pháo 105mm của Đại đội 805 (thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), bổ sung vào Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ xếp hạng tại Quyết định 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Khu vực bảo vệ di tích được xác định theo Biên bản và Bản đồ các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ.

Quy định về di tích quốc gia đặc biệt hiện nay

Theo khoản 3 Điều 29 Luật Di sản văn hóa 2001 (sửa đổi 2009) đã quy định di tích quốc gia đặc biệt là di tích có giá trị đặc biệt tiêu biểu của quốc gia, bao gồm:

- Công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện đánh dấu bước chuyển biến đặc biệt quan trọng của lịch sử dân tộc hoặc gắn với anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu có ảnh hưởng to lớn đối với tiến trình lịch sử của dân tộc;

- Công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị đặc biệt đánh dấu các giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật Việt Nam;

- Địa điểm khảo cổ có giá trị nổi bật đánh dấu các giai đoạn phát triển văn hóa khảo cổ quan trọng của Việt Nam và thế giới;

- Cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị đặc biệt của quốc gia hoặc khu vực thiên nhiên có giá trị về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học và hệ sinh thái đặc thù nổi tiếng của Việt Nam và thế giới.

Quy định về trách nhiệm bảo vệ các di tích

(1) Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích có trách nhiệm bảo vệ di tích đó; trong trường hợp phát hiện di tích bị lấn chiếm, hủy hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại phải kịp thời có biện pháp ngăn chặn và thông báo cho cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp, Ủy ban nhân dân địa phương hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch nơi gần nhất.

(2) Ủy ban nhân dân địa phương hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch khi nhận được thông báo về di tích bị hủy hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại phải kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và báo cáo ngay với cơ quan cấp trên trực tiếp.

(3) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi nhận được thông báo về di tích bị hủy hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại phải kịp thời chỉ đạo và hướng dẫn cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương, chủ sở hữu di tích áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ; đối với di tích quốc gia đặc biệt phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.

(4) Các công trình xây dựng, địa điểm, cảnh quan thiên nhiên, khu vực thiên nhiên có tiêu chí như quy định tại Điều 28 của Luật Di sản văn hóa 2001 (sửa đổi 2009), đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương, được bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa 2001 (sửa đổi 2009).

Ít nhất 5 năm một lần, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức rà soát và quyết định đưa ra khỏi danh mục kiểm kê di tích của địa phương các công trình xây dựng, địa điểm, cảnh quan thiên nhiên, khu vực thiên nhiên không đủ tiêu chuẩn xếp hạng di tích.

(Điều 33 Luật Di sản văn hóa 2001 (sửa đổi 2009))

Chia sẻ bài viết lên facebook 88

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079