'
Hướng dẫn thi công cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước từ 10/01/2025 (Hinh ftuwf Internet)
Ngày 26/11/2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 23/2024/TT-BTNMT quy định kỹ thuật lập hành lang bảo vệ nguồn nước.
Theo quy định tại Điều 17 Thông tư 23/2024/TT-BTNMT thì việc thi công cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước được thực hiện như sau:
- Đưa vị trí tọa độ cắm mốc giới trên bản đồ chuyển ra thực địa.
- Đánh dấu phục vụ thi công: vị trí các mốc ngoài hiện trường được đánh dấu bằng cọc tạm có thể dùng cọc tre, cọc gỗ đảm bảo ổn định trong quá trình triển khai thi công chôn mốc.
- Lập bản mô tả hành lang bảo vệ nguồn nước:
+ Quy định chung về mô tả hành lang bảo vệ nguồn nước: mô tả được lập cho tất cả các tuyến hành lang; số liệu trong bản mô tả phải phù hợp với sơ đồ vị trí cắm mốc, mỗi tuyến hành lang có thể mô tả liên tục theo toàn tuyến hoặc chia thành một số đoạn.
Nội dung mô tả bao gồm: hiện trạng trên thực địa; vị trí và khoảng cách giữa các mốc; các điểm đặc trưng đã được xác định trên thực địa.
+ Phương pháp mô tả: mô tả rõ ràng để diễn đạt chính xác vị trí của đường hành lang trên thực địa một cách tuần tự theo hướng đã chọn; việc mô tả phải dựa theo các yếu tố địa lý tồn tại ổn định trên thực địa.
- Thi công cắm mốc giới: việc thi công cắm mốc ngoài hiện trường được xác định dựa trên sơ đồ vị trí mốc và các vị trí mốc đã được đánh dấu bởi cọc tạm. Công tác triển khai chôn mốc phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:
+ Điểm đặt mốc được chọn ở những nơi có nền cứng chắc, ổn định, thuận lợi, bảo đảm tồn tại lâu dài, không bị phá hoại do cấu tạo địa chất và do các công trình xây dựng;
+ Lập sơ đồ vị trí mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định tại Mẫu số 02 Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư 23/2024/TT-BTNMT, trong đó thể hiện vị trí mốc giới, các yếu tố địa hình, địa vật;
Mẫu số 02 |
+ Vị trí mốc giới phải đảm bảo thuận tiện cho công tác đo ngắm, không ảnh hưởng đến độ chính xác;
+ Mốc không được chôn ở những nơi dễ bị ngập nước, mực nước ngầm quá cao, những nơi sắp xây dựng.
- Đo tọa độ mốc giới: tọa độ mốc giới (X, Y) được xác định dựa trên tọa độ của điểm tâm đỉnh mốc, độ sai số đảm bảo không quá 0,3 m đối với khu vực đồng bằng và 0,5 m đối với khu vực đồi núi, khu vực có địa hình phức tạp, đi lại khó khăn.
- Việc thi công cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước đồng thời phải phù hợp với quy định về lập bản đồ địa chính theo pháp luật về đất đai.
Tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định 53/2024/NĐ-CP chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có hồ chứa xây dựng phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước của hồ chứa. Phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước của hồ chứa thủy điện phải có các nội dung chính sau được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 28 Nghị định 53/2024/NĐ-CP bao gồm:
- Thông số cơ bản của hồ chứa;
- Hiện trạng quản lý, sử dụng đất quanh hồ chứa;
- Xác định phạm vi cụ thể hành lang bảo vệ nguồn nước của hồ chứa trên sơ đồ mặt bằng;
- Tọa độ, vị trí hành chính của các mốc giới, khoảng cách của các mốc giới;
- Phương án huy động nhân lực, vật tư, vật liệu, thi công, giải phóng mặt bằng trên thực địa;
- Tiến độ cắm mốc, bàn giao mốc giới, kinh phí thực hiện.
Xem thêm Thông tư 23/2024/TT-BTNMT có hiệu lực từ 10/01/2024.