Đề xuất kết thúc mô hình tổng cục trực thuộc các Bộ theo phương án tinh gọn bộ máy

04/12/2024 10:45 AM

Tại phương án tinh gọn bộ máy đã đề xuất kết thúc mô hình tổng cục trực thuộc các Bộ.

Đề xuất kết thúc mô hình tổng cục trực thuộc các Bộ theo phương án tinh gọn bộ máy (Hình từ internet)

1. Đề xuất kết thúc mô hình tổng cục trực thuộc các Bộ theo phương án tinh gọn bộ máy

Tại  phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã được đề xuất nghiên cứu, đề xuất kết thúc mô hình tổng cục trực thuộc các Bộ, trước hết là sắp xếp các đơn vị như : 

- Kho bạc Nhà nước.

- Tổng cục Thuế. 

- Tổng cục Hải quan.

- Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

- Tổng cục Thi hành án dân sự.

- Tổng cục Quản lý thị trường.

- Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố....

Đồng thời, tiếp tục xem xét sắp xếp mô hình tổ chức một số đơn vị bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

2. Quy định về cơ cấu tổ chức của tổng cục thuộc Bộ 

Theo Điều 22 Nghị định 123/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 101/2020/NĐ-CPNghị định 83/2024/NĐ-CP) thì Tổng cục là tổ chức thuộc Bộ, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật đối với chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp trên phạm vi cả nước theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng.

- Tổng cục có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Tổng cục trưởng được ban hành văn bản cá biệt, văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của tổng cục.

- Việc thành lập tổng cục phải đáp ứng đủ các tiêu chí sau:

+ Có đối tượng quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội;

+ Chuyên ngành, lĩnh vực cần quản lý tập trung, thống nhất ở trung ương, trường hợp đặc biệt do Chính phủ xem xét quyết định;

+ Được phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng để quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực.

- Cơ cấu tổ chức của tổng cục, gồm:

+ Vụ;

+ Văn phòng;

+ Cục (nếu có);

+ Thanh tra (nếu có);

+ Đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có).

Việc thành lập vụ, cục thuộc tổng cục áp dụng các tiêu chí như đối với thành lập vụ, cục thuộc bộ. Không thành lập phòng trong vụ thuộc tổng cục.

Đối với tổng cục được tổ chức theo hệ thống ngành dọc thì số lượng cục thuộc tổng cục, chi cục thuộc cục thuộc tổng cục (nếu có) đặt ở địa phương được quy định tại quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tổng cục.

- Số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, cục, thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục thuộc bộ:

+ Vụ thuộc tổng cục có từ 15 đến 20 biên chế công chức, cục (trừ cục đặt tại địa phương), thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục có dưới 04 tổ chức được bố trí không quá 02 cấp phó;

+ Vụ thuộc tổng cục có trên 20 biên chế công chức; cục (trừ các cục đặt: tại địa phương), thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục có từ 04 tổ chức trở lên thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định số lượng cấp phó của từng đơn vị, bảo đảm bình quân không quá 03 người trên một đơn vị;

+ Tổng cục được tổ chức theo hệ thống ngành dọc có cục trực thuộc đặt ở địa phương thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định số lượng cấp phó của người đứng đầu cục bảo đảm bình quân mỗi cục có 03 cấp phó.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì cơ cấu tổ chức của tổng cục thuộc Bộ gồm: Vụ; Văn phòng; Cục (nếu có); Thanh tra (nếu có); Đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có).

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 7,252

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079