Quy định mới về phòng cháy đối với phương tiện giao thông từ 01/7/2025 (Hình từ Internet)
Ngày 19/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024.
Theo quy định tại Điều 22 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 thì việc phòng cháy đối với phương tiện giao thông được thực hiện như sau:
- Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vận tải hành khách, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ khi tham gia giao thông phải bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy sau đây:
+ Có biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn theo quy định;
+ Thực hiện các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024, cụ thể:
“Điều 16. Yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy khi lập, điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế công trình, cải tạo, thay đổi công năng sử dụng công trình, sản xuất, lắp ráp, đóng mới, hoán cải phương tiện giao thông
…
2. Khi sản xuất, lắp ráp, đóng mới, hoán cải phương tiện giao thông phải có giải pháp, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với tính chất, đặc điểm của phương tiện giao thông và bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan;
b) Giải pháp bảo đảm an toàn phòng cháy cho hệ thống cung cấp năng lượng, nhiên liệu và động cơ;
c) Hệ thống, thiết bị phát hiện sự cố rò rỉ chất khí, chất lỏng nguy hiểm về cháy, nổ;
d) Phương tiện, hệ thống phòng cháy và chữa cháy.”
- Phương tiện giao thông đường sắt, phương tiện thủy nội địa, tàu biển vận tải hành khách, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy sau đây:
+ Điều kiện an toàn về phòng cháy theo quy định của pháp luật về đường sắt, pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, pháp luật về hàng hải;
+ Điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024;
+ Phương tiện giao thông thuộc diện thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy phải có văn bản thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan quản lý chuyên ngành;
+ Có phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
- Phương tiện giao thông được sản xuất, lắp ráp, đóng mới, hoán cải thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy chỉ được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường khi có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.
- Phương tiện giao thông thủy của tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài khi tham gia hoạt động đường thủy nội địa Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Chủ sở hữu, thuyền trưởng, trưởng tàu, người điều khiển phương tiện giao thông trong phạm vi quản lý có trách nhiệm bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình hoạt động của phương tiện giao thông.
Xem thêm Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 54 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024.
Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 (sửa đổi 2013) hết hiệu lực từ ngày Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 55 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024.
Nghị quyết 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy hết hiệu lực từ ngày Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024.