Quy định mới về người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ từ 01/7/2025 (Hình từ Internet)
Ngày 19/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024.
Căn cứ tại Điều 34 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 thì người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ được quy định như sau:
- Khi xảy ra cháy cần phải cứu nạn, cứu hộ, người chỉ huy chữa cháy thuộc lực lượng Công an nhân dân là người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ.
- Khi xảy ra tai nạn, sự cố cần phải cứu nạn, cứu hộ, người có chức vụ cao nhất của lực lượng Công an nhân dân được phân công chỉ huy cứu nạn, cứu hộ có mặt tại nơi xảy ra tai nạn, sự cố là người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ đối với các tai nạn, sự cố quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024, cụ thể:
“Điều 32. Tình huống cứu nạn, cứu hộ
1. Tình huống cứu nạn, cứu hộ bao gồm:
...
b) Cứu nạn, cứu hộ trong tình huống tai nạn, sự cố bao gồm: có người đuối nước; sập, đổ nhà, công trình, cây cối; tai nạn, sự cố do phương tiện, thiết bị gây ra; sạt lở đất, đá; tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; các tai nạn, sự cố khác khi có yêu cầu;”
- Người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 34 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 thực hiện quyền chỉ huy bằng mệnh lệnh, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình và có các quyền sau đây:
+ Sử dụng lực lượng, phương tiện của cơ quan Công an thuộc phạm vi quản lý tham gia cứu nạn, cứu hộ;
+ Huy động theo thẩm quyền hoặc đề nghị người có thẩm quyền huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật;
+ Xác định, quyết định khu vực cứu nạn, cứu hộ, các biện pháp cứu nạn, cứu hộ, việc sử dụng địa hình, địa vật lân cận để cứu nạn, cứu hộ;
+ Cấm người và phương tiện không có nhiệm vụ vào khu vực cứu nạn, cứu hộ;
+ Quyết định việc di chuyển, phá dỡ chướng ngại vật, tài sản trong phạm vi cứu nạn, cứu hộ để cứu người, cứu tài sản theo quy định của pháp luật.
- Khi người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ thuộc lực lượng Công an nhân dân chưa có mặt tại nơi xảy ra tai nạn, sự cố thì người đứng đầu cơ sở, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố nơi xảy ra tai nạn, sự cố sử dụng lực lượng, người, phương tiện thuộc phạm vi quản lý thực hiện cứu nạn, cứu hộ và tham gia hỗ trợ, khắc phục tai nạn, sự cố.
Hướng dẫn áp dụng pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ từ 01/7/2025
Việc áp dụng pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được thực hiện theo quy định tại Điều 3 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 như sau:
- Hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 và quy định của pháp luật có liên quan.
- Hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng, trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy rừng thực hiện theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
- Trường hợp sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh đã được ban bố tình trạng khẩn cấp, ban bố cấp độ phòng thủ dân sự thì hoạt động cứu nạn, cứu hộ thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp, pháp luật về phòng thủ dân sự, quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Xem thêm Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 54 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024.
Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 (sửa đổi 2013) hết hiệu lực từ ngày Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 55 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024.
Nghị quyết 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy hết hiệu lực từ ngày Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024.