(i) Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở Điều 1 Luật 2000. Theo đó, quy định ngắn gọn, xúc tích về phạm vi điều chỉnh, bỏ phần nhiệm vụ trong Luật 2000 (nội dung này được lồng ghép vào những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân & gia đình).
(ii) Điều 2. Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân & gia đình
Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở Điều 2 Luật 2000. Theo đó, về cơ bản giữ các nguyên tắc của Luật 2000, bổ sung nguyên tắc “xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ hạnh phúc”, “kế thừa phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân & gia đình”.
Luật 2014 bỏ nguyên tắc: “Vợ chồng có nghĩa vụ thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình”.
(iii) Điều 3. Giải thích từ ngữ
Điều này được sửa đổi bổ sung trên cơ sở Điều 8 Luật 2000. Theo đó, bổ sung thêm các từ ngữ mới như sau:
- Tập quán hôn nhân & gia đình (khoản 4).
- Chung sống như vợ chồng (khoản 7).
- Cản trở kết hôn, ly hôn (khoản 10).
- Kết hôn giả tạo (khoản 11).
- Yêu sách của cải trong kết hôn (khoản 12).
- Ly hôn giả tạo (khoản 15).
- Thành viên gia đình (khoản 16).
- Người thân thích (khoản 19).
- Nhu cầu thiết yếu (khoản 20).
- Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (khoản 21).
- Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (khoản 22).
- Mang thai hộ vì mục đích thương mại (khoản 23).
(iv) Điều 4. Trách nhiệm của Nhà nước và xã hội đối với hôn nhân & gia đình
Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 3 Luật 2000. Theo đó, về cơ bản nội dung cũ được giữ nguyên, chỉ sắp xếp lại về mặt hình thức câu chữ.
(v) Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân & gia đình
Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở Điều 4 Luật 2000. Theo đó, về cơ bản nội dung cũ được giữ nguyên và bổ sung các hành vi cấm sau:
- Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính.
- Lợi dụng việc thực hiện quyền hôn nhân & gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.
Đồng thời bổ sung quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư và các quyền riêng tư khác của các bên được tôn trọng, bảo vệ trong quá trình giải quyết vụ việc về hôn nhân & gia đình.
(vi) Điều 6. Áp dụng quy định của Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan
Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở Điều 5 Luật 2000. Theo đó, về cơ bản nội dung cũ được giữ nguyên chỉ sửa đổi “ luật về hôn nhân và gia đình” thành “Luật này”.
(vii) Điều 7. Áp dụng tập quán về hôn nhân & gia đình
Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở Điều 6 Luật 2000. Theo đó, bổ sung quy định: “Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này” – Như vậy, nội dung này sẽ được hướng dẫn cụ thể bởi văn bản pháp luật từ Chính phủ.
(viii) Điều 8. Điều kiện kết hôn
Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều Điều 9 & 10 Luật 2000. Theo đó, độ tuổi kết hôn đối với nữ là từ đủ 18 tuổi (Luật 2000 là từ 18 tuổi), nam là từ đủ 20 tuổi (Luật 2000 là từ 20 tuổi).
Luật 2000 cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, Luật 2014 sửa đổi thành: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.
(ix) Điều 9. Đăng ký kết hôn
Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 11 Luật 2000. Theo đó, điều này được quy định ngắn gọn lại và bỏ nội dung “Chính phủ quy định việc đăng ký kết hôn ở vùng sâu, vùng xa”. Như vậy, việc đăng ký kết được thống nhất trên toàn quốc.
(x) Điều 10. Người có quyền yêu cầu việc hủy kết hôn trái pháp luật
Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 15 Luật 2000. Theo đó, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình yêu cầu Toà án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Toà án hủy việc kết hôn trái pháp luật được bổ sung thêm:
- Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình.
- Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em.
“Thay thế” cho Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
(xi) Điều 11. Xử lý việc kết hôn trái pháp luật
Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 16 Luật 2000. Theo đó, quy định chi tiết và rõ ràng hơn Luật 2000. Đồng thời bổ sung một khoản: “Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ tư pháp phối hợp thực hiện điều này”.
Như vậy, sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết về nội dung này.
(xii) Điều 12. Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật
Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 17 Luật 2000. Theo đó, về cơ bản nội dung này được giữ nguyên nhưng chỉnh sửa về mặt hình thức câu chữ. Ngoài việc, quy định giải quyết quyền lợi của các con thì Luật 2014 còn quy định “ giải quyết quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con”.
(xiii) Điều 13. Xử lý việc đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền
Đây là điều luật mới. Theo đó, quy định như sau:
Trong trường hợp việc đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền thì khi có yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận kết hôn theo quy định của pháp luật về hộ tịch và yêu cầu hai bên thực hiện lại việc đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ ngày đăng ký kết hôn trước.
(xiv) Điều 14. Giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
Đây là điều luật mới. Theo đó, quy định như sau:
1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.
2. Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn”.
(xv) Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
Đây là điều luật mới. Theo đó, quy định như sau:
“Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con”.
(xvi) Điều 16. Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
Đây là điều luật mới. Theo đó, quy định như sau:
1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
(xvii) Điều 17. Bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng
Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 19 của Luật 2000. Theo đó, bổ sung đoạn “trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan”.
(xviii) Điều 18. Bảo vệ quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng
Đây là điều luật mới. Theo đó, quy định như sau:
“Quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan được tôn trọng và bảo vệ”.
(xix) Điều 19. Tình nghĩa vợ chồng
Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều điều 18 của Luật 2000. Theo đó, bổ sung nội dung sau: “Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác”.
(xx) Điều 20. Lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng
Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 20 của Luật 2000. Về cơ bản nội dung này được giữ nguyên và bổ sung thêm từ “thỏa thuận” trong việc lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng.
(xxi) Điều 21. Tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng
Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 21 của Luật 2000. Theo đó, bỏ quy định “Cấm vợ, chồng có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhau” bởi khoản 1 đã bao hàm nội dung này.
(xxii) Điều 22. Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng
Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 22 của Luật 2000. Theo đó, bỏ nội dung “không được cưỡng ép, cản trở nhau theo hoặc không theo một tôn giáo nào” bởi quy định “Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau” đã bao hàm nội dung trên.
(xxiii) Điều 23. Quyền, nghĩa vụ về học tập, làm việc, tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội
Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 23 Luật 2000. Về cơ bản nội dung này được giữ nguyên và chỉnh sửa lại như sau:
“Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội”.
(xxiv) Điều 24. Căn cứ xác lập đại diện giữa vợ và chồng
Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 24 của Luật 2000. Về cơ bản nội dung được giữ nguyên nhưng thay đổi về cách trình bày câu chữ, ví dụ thêm nội dung mới “…xác định theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan”.
(xxv) Điều 25. Đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh
Đây là điều luật mới. Theo đó, quy định như sau:
“1. Trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung thì vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc Luật này và các luật liên quan có quy định khác.
2. Trong trường hợp vợ, chồng đưa tài sản chung vào kinh doanh thì áp dụng quy định tại Điều 36 của Luật này”.
Xem thêm và tham gia thảo luận TẠI ĐÂY .
Thanh Hữu