Sáng 16-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đánh giá kết quả kỳ họp thứ 7 và việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đánh giá, Kỳ họp thứ 7 diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã tác động không nhỏ đến nội dung của chương trình nghị sự.
Với tinh thần làm việc khẩn trương, hiệu quả, Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra, tạo sự tin tưởng, đồng thuận trong nhân dân, đoàn kết vượt qua khó khăn để phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiếp tục có sự cải tiến, đổi mới trong quá trình chuẩn bị, tổ chức và điều hành kỳ họp. Công tác điều hành khoa học, linh hoạt, bảo đảm tập trung dân chủ, định hướng thảo luận vào những vấn đề trọng tâm, phát huy tinh thần trách nhiệm của đại biểu Quốc hội.
Cho ý kiến đánh giá kết quả kỳ họp thứ 7, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, qua tiếp xúc sau kỳ họp, cử tri ghi nhận và đánh giá cao quan điểm, cách xử lý của Quốc hội về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề biển Đông. Tuy nhiên, có 4 vấn đề cử tri chưa thỏa mãn gồm: Cách thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản; bảo hiểm y tế, đào tạo sinh viên và bố trí việc làm; phạt đội mũ bảo hiểm giả.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi đề nghị các tờ trình, báo cáo thẩm tra trước Quốc hội cần được rút gọn hơn, nên tập trung vào những nội dung thật sự quan trọng và có nhiều quan điểm khác biệt. Ý kiến này nhận được sự đồng tình của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Chủ tịch Quốc hội yêu cầu báo cáo chỉ nên dừng ở 5 đến 6 trang, trừ báo cáo về kinh tế xã hội và một số trường hợp đặc biệt.
Cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, nhiều ý kiến cho rằng đây là kỳ họp cuối năm, khối lượng công việc nhiều, trọng tâm là xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, các báo cáo công tác tư pháp. Tuy nhiên, năm nay là năm đầu tiên triển khai thi hành Hiến pháp mới, do đó, công tác xây dựng pháp luật, rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật phải được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Dự kiến, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ thông qua 17 luật, 1 nghị quyết.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhìn nhận, riêng khối lượng xây dựng pháp luật tại kỳ họp thứ 8 cũng rất lớn, dự kiến chiếm tới 24,5 ngày làm việc. Với 30 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết được Quốc hội thông qua và cho ý kiến, đây là số lượng văn bản pháp luật kỷ lục mà Quốc hội xử lý tại một kỳ họp. Do vậy, cần cân nhắc việc phân bổ thời gian cho từng dự án luật, không nên chia theo bình quân mà căn cứ chất lượng chuẩn bị, nội dung của luật, tránh tình trạng vừa thừa vừa thiếu.
Với khối lượng luật nhiều như vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quán triệt tinh thần thực thi Hiến pháp, diễn giải Hiến pháp thể hiện vào Luật. Chính phủ, Bộ Tư pháp cần đặc biệt quán triệt vấn đề này. Các cơ quan, tổ chức liên quan khẩn trương chuẩn bị, bảo đảm nội dung, tài liệu các dự án luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng tiến độ và có chất lượng, gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội đúng thời gian theo quy định để đại biểu có điều kiện nghiên cứu, thảo luận tại địa phương.
Phan Thu
Theo Hải quan Online