Sau khi Cảng vụ Hàng không miền Nam gặp gỡ các doanh nghiệp (DN) bán hàng tại sân bay và đề nghị phải giảm giá một số mặt hàng ăn uống vào ngày 14-7 vừa qua, đến nay đã có một số DN giảm giá. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành hàng không, đối với vấn đề giá cả các mặt hàng ăn uống ở sân bay thì không thể chỉ áp dụng mệnh lệnh hành chính là xong.
Giảm giá 15%, đủ chưa?
Chiều 16-7, đại diện Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết đã có ít nhất một DN kinh doanh dịch vụ phi hàng không là Công ty Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) đăng ký giảm giá phở và nước suối tại sân bay. Dự kiến ngày 17-7 sẽ có thêm hai DN kinh doanh ở đây sẽ đăng ký giảm giá. Như vậy, sau lần hiệp thương vừa qua, sẽ có ba DN đăng ký giảm giá với mức giảm khoảng 15% so với giá trước đây. Theo đó, hiện giá một tô phở Sasco đăng ký giảm (từ 65.000 đồng) xuống còn 55.000 đồng. Ngoài ra, giá nước suối cũng giảm còn 12.000 đồng/chai 0,5 l.
Theo bà Trần Thụy Minh, Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam, các DN bán hàng cho rằng giá bán hiện nay là phù hợp với mặt bằng chung, phù hợp với các sân bay trên thế giới.
Giá thuê mặt bằng tại sân bay cao là một trong những lý do khiến giá hàng ăn uống ở đây đắt đỏ. Ảnh: MP
Cũng theo bà Minh, kinh doanh dịch vụ phi hàng không ở sân bay có đặc thù riêng là do khách không có nhiều lựa chọn. Vì họ đã vào phòng cách ly rồi thì không thể vào quán bình dân nữa. Trong khi đối tượng người dân đi máy bay hiện nay từ các hãng hàng không giá rẻ là khá lớn, túi tiền hạn chế. Vì vậy cảng vụ cũng yêu cầu các DN bán hàng tại sân bay cần đa dạng hóa sản phẩm, tức là có mặt hàng dành cho người thu nhập cao nhưng cũng cần có những mặt hàng dành cho người thu nhập thấp để khách hàng có nhiều chọn lựa.
Chống độc quyền, đừng hành chính hóa
Thực tế vấn đề giá cả dịch vụ phi hàng không (hàng lưu niệm, ăn uống) tại sân bay không phải đến giờ mới bị người dân than phiền. Một trong những lý do khiến giá cả các mặt hàng ở đây cao hơn từ ba đến năm lần so với ngoài thị trường là do giá thuê mặt bằng khá cao.
Cũng theo bà Trần Thụy Minh, các DN than giá thuê mặt bằng cộng với các chi phí khiến họ gặp khá nhiều khó khăn, thậm chí họ không có lợi nhuận. “Chúng ta không thể “ép” DN giảm giá khi họ không có lợi nhuận. Từ đó, cảng vụ đề nghị Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam cần xem xét lại chi phí thuê mặt bằng và các chi phí khác có cao hay không?” - bà Minh đề xuất.
Ông Lương Hoài Nam, một chuyên gia về hàng không cũng cho rằng việc giá tô mì ở sân bay đắt hơn 1/2, 2 lần giá ở ngoài là chuyện đương nhiên (vì giá thuê mặt bằng ở sân bay đắt hơn) nhưng đắt hơn bao nhiêu là vừa?
“Muốn biết giá bao nhiêu là vừa phải giải bài toán chống độc quyền dịch vụ. Khi một dịch vụ đã không còn độc quyền, người ta buộc phải công nhận giá của nó là hợp lý (trừ khi chứng minh được có sự “đi đêm” của các DN để cùng nâng giá). Độc quyền không thể được chống bằng các mệnh lệnh hành chính” - ông Nam nhấn mạnh.
TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM, cũng cho rằng nhiều dịch vụ sân bay biểu hiện có sự lạm dụng độc quyền. “Một tô phở có vài miếng bò viên có giá 55.000 đồng thì là lạm dụng độc quyền rồi. Tuy nhiên, vì lý do an ninh của ngành hàng không nên đã làm cho sân bay trở thành một thị trường riêng biệt. Đây cũng chính là lý do cơ quan quản lý nên kiểm soát cơ chế độc quyền bằng Luật Cạnh tranh chứ không phải giải quyết bằng biện pháp hành chính” - ông Sơn nói.
Cũng theo TS Nguyễn Ngọc Sơn, cơ quan quản lý nên cạnh tranh hóa bằng đầu vào. Ví dụ, cho DN bán một năm, sau đó hết một năm thì đấu thầu, vẫn đảm bảo được tính cạnh tranh.
Mai Phương
Theo Pháp luật TP