Việt Nam nâng cấp độ cảnh báo với dịch Ebola tồi tệ nhất trong lịch sử

07/08/2014 08:43 AM

Hơn 1.600 ca nhiễm, gần 900 ca tử vong do Ebola. WHO nhận định đây là dịch bệnh diễn biến tồi tệ nhất trong lịch sử 40 năm qua tại các nước Tây Phi. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đã nâng cấp độ cảnh báo với dịch bệnh nguy hiểm này.

Vụ dịch trầm trọng nhất trong lịch sử

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Tổ chức thế giới (WHO) nhận định Ecola là dịch lớn nhất trong vòng 40 năm qua tại các nước Châu Phi. Bệnh lây truyền nhanh, tử vong cao, nếu không nỗ lực kiểm soát phòng chống, tình hình sẽ càng trở nên tồi tệ và nhiều sinh mạng sẽ bị cướp đi.

Thực tế, từ đầu năm đến nay, 4 nước Tây Phi đã ghi nhận hơn 1.600 ca bệnh do vi rút này, gần 890 người tử vong, trong đó trên 100 trường hợp là cán bộ y tế nhiễm Ebola. Đặc biệt chỉ trong vòng hai ngày (31/7 và 1/8); 4 nước Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone báo cáo thêm 163 trường hợp mắc mới, 61 ca tử vong. Guinea có 13 ca mắc mới nhưng đến 12 người tử vong, con số này tại Liberia 77 và 28 người tử vong.

Tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch chiều 6/8, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho biết trước dịch bệnh nguy hiểm này, nhiều quốc gia đã nâng cảnh báo với dịch. 

Liberia đã đóng hầu hết các cửa khẩu chính và cách ly nghiêm ngặt các vùng bị nhiễm bệnh. Senegal đóng cửa khẩu đất liền với Guinea. Nigeria ngưng chuyến bay qua các nước có dịch bệnh và tăng cường kiểm dịch tại sân bay. Nhiều công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Guiniea, Leberia và Sierra Leone đã hạn chế nhân viên của họ đến đây. Tổ chức Hòa bình Mỹ cũng rút 340 nhân viên tình nguyện từ 3 quốc gia đang có dịch về nước.

"Dịch Ebola tại Tây Phi đang tăng kinh khủng trong những ngày gần đây. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng đánh giá nguy cơ lây theo đường du lịch là cực thấp nhưng thời điểm này đã chuyển sang cảnh báo 'không loại trừ lây sang đường hàng không. Việt Nam cũng là quốc gia có nguy cơ lây nhiễm cao”, TS Phu nhận định.

Tổng giám đốc WHO Margaret Chan từng nhấn mạnh, đây là đợt bùng phát dịch chưa từng có, rất khó kiểm soát. Dịch diễn ra tại những khu vực có dân di biến động qua biên giới và lây truyền qua đường hàng không. Điều này trái ngược với những gì diễn ra trong các vụ dịch trước đây. Nếu tình hình tiếp tục trở nên xấu hơn, nguy cơ dịch sẽ lan truyền sang các nước khác là rất lớn. 

Việt Nam khuyến cáo công dân hạn chế di chuyển đến vùng có dịch

Trước nguy cơ lây lan dịch Ebola vào Việt Nam, Bộ Y tế đã có báo cáo gửi Chính phủ, đồng thời, triển khai việc khai báo y tế tại tất cả các cửa khẩu quốc tế với người nhập cảnh Việt Nam từ vùng có dịch; xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác chuẩn bị, ứng phó, phòng chống dịch bệnh…

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các đơn vị tập trung giám sát tại cửa khẩu, bệnh viện, phát hiện sớm ca bệnh do vi rút Ebola nếu có. Người đi du lịch được khuyến cáo hạn chế đến các quốc gia đang có dịch.

Ngay chiều muộn ngày 6/8, sau khi kết thúc cuộc họp Ban chỉ đạo,  Bộ Y tế cũng có công văn khẩn gửi tới các bộ ngành tiên quan đề nghị phối hợp chỉ đạo thực hiện khai báo y tế bắt buộc tại các cửa khẩu. Theo đó, những hành khách đến từ vùng dịch (là 4 nước Tây Phi gồm: Guinea, Liberia, Sierra Leone, Nigeria) trong vòng 21 ngày sẽ phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc khi nhập cảnh vào Việt Nam. Khi phát hiện hành khách có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh Ebola, cần nhanh chóng tiến hành cách ly triệt để và thực hiện các biện pháp xử lý y tế theo quy định. Quy định này sẽ được áp dụng từ ngày 15/8 tại tất cả các cửa khẩu quốc tế.

Cùng ngày, Bộ Y tế cũng gửi công văn khẩn đến Bộ Ngoại giao, khuyến nghị Bộ ngoại giao thông báo tới các  cơ quan, tổ chức có cán bộ, công dân đang ở hoặc phải đi đến vùng dịch. Bộ Y tế cũng đề nghị hạn chế cử cán bộ đi đến quốc gia có dịch bệnh Ebola khi không cần thiết.

Trong trường hợp buộc phải đi, cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Ngoại giao chia sẻ thường xuyên thông thi về khách nhập cảnh từ các quốc gia này để Bộ Y tế có các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh.

Theo TS Trần Đắc Phu, bệnh do vi rút Ebola (sốt xuất huyết do vi rút Ebola) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm (thuộc nhóm A), có khả năng lây lan nhanh và tỉ lệ tử vong cao tới 90%. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, cơ quan, tổ chức cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh.

Người mắc bệnh do vi rút thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng sốt cao kéo dài, đau cơ vùng bụng và ngực, viêm họng, nôn hoặc buồn nôn, tiêu chảy cấp, xuất huyết da niêm mạc (ban xuất huyết hoặc dát sần, chảy máu cam) và xuất huyết phủ tạng (nôn, đi ngoài ra máu…). Thể nặng thường có tổn thương gan, suy thận, viêm tổ chức não, có thể suy đa phủ tạng, tràn dịch màng phổi và sốc.

Bệnh nguy hiểm bởi tốc độ lan truyền, nguy cơ tử vong cao và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh hay phương pháp điều trị đặc hiệu.

Để phòng bệnh, người dân cần lưu vệ sinh cá nhân, tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh; Không cầm/nắm các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh trước đó; Nếu đang ở vùng có dịch mà xuất hiện các triệu chứng (sốt, đau đầu, đau họng, ỉa chảy, nôn, đau dạ dày, phát ban, đỏ mắt) cần đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Ngày 6/8 Bộ Y tế cũng đã ban hành Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh do vi rút Ebola.

Theo đó, dù Ebola chưa ghi nhận tại Việt Nam nhưng Bộ Y tế cũng nhìn nhận, đây là bệnh dịch rất nguy hiểm và không được chủ quan. Do đó, chỉ cần phát hiện 1 ca bệnh xác định (có kết quả xét nghiệm dương tính với virut Ebola) đã được coi là một ổ dịch.

Những người có tiền sử ở/đi/đến từ vùng/ quốc gia có dịch hoặc tiếp xúc gần với người mắc bệnh hoặc động vật nhiễm vi rút trong vòng 21 ngày mà có các triệu chứng bệnh như trên đều được xác định là ca bệnh nghi ngờ, cần được cách ly, chẩn đoán nhanh và xử lý kịp thời, triệt để, không để lây lan.

Hướng dẫn giám sát do Bộ Y tế ban hành quy định chi tiết 3 tình huống và phương thức giám sát ca bệnh nhiễm vi rút Ebola từ cửa khẩu đến cộng đồng, bao gồm các tình huống giám sát khi chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam cho đến khi xuất hiện ca bệnh xâm nhập và khi dịch lây lan trong cộng đồng.

Các biện pháp triển khai chống dịch đối với người bệnh, người tiếp xúc gần và phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở điều trị cũng như vấn đề khử trùng xử lý môi trường cũng được quy định cụ thể tại bản Hướng dẫn này.

Hồng Hải

Theo Dân Trí

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,985

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079