Dự kiến: Luật Doanh nghiệp 2020 được sửa đổi những nội dung nào? (Hình từ internet)
Bộ Tài chính đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp 2020.
Tải về
Dự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 đang áp dụng hiện hành. Sau đây là đơn cử một số quy định được đề xuất sửa đổi và bổ sung như sau:
* Sửa đổi một số khoản của Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020:
- Cổ tức là khoản lợi nhuận sau thuế được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác.
Hiện hành, quy định cổ tức là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác (khoản 5 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020) |
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân là một trong các loại giấy tờ sau đây: thẻ Căn cước, thẻ Căn cước công dân, Hộ chiếu, giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp khác.
Hiện hành, quy định giấy tờ pháp lý của cá nhân là một trong các loại giấy tờ sau đây: thẻ Căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp khác. (khoản 16 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020) |
* Bổ sung thêm khoản 35, 36, 37, 38, 39 vào Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020:
- Kê khai khống vốn điều lệ là hành vi kê khai số vốn điều lệ lớn hơn số vốn thực tế góp tại thời điểm phải hoàn thành việc góp vốn theo quy định.
- Tình trạng pháp lý của doanh nghiệp bao gồm 07 tình trạng:
+ Tạm ngừng kinh doanh;
+ Không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký;
+ Bị thu hồi do cưỡng chế về quản lý thuế;
+ Đang làm thủ tục giải thể, đã bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập;
+ Đang làm thủ tục phá sản;
+ Đã giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại;
+ Đang hoạt động.
* Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020:
- Sửa đổi, bổ sung khoản 2:
Thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp; thu thập, cập nhật, lưu trữ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi; báo cáo và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Hiện hành quy định doanh nghiệp thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, báo cáo và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp. |
- Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:
Chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó.
Hiện hành quy định doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó. |
- Bổ sung khoản 5a sau khoản 5 như sau:
Doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi tại thời điểm đăng ký thành lập. Trường hợp doanh nghiệp không có chủ sở hữu hưởng lợi tại thời điểm thành lập thì doanh nghiệp phải thông báo kịp thời thông tin trong thời hạn 10 ngày kể từ thời điểm phát sinh thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi.
* Sửa tên Điều 15 và bổ sung khoản 4 của Điều 15 Luật Doanh nghiệp 2020:
Tên điều mới: Trách nhiệm của người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức; chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp:
(Hiện hành, Điều 15 Luật Doanh nghiệp 2020 đang quy định trách nhiệm của người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức)
Bổ sung khoản 4 về trách nhiệm của chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp:
Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp chính xác, đầy đủ các thông tin của mình cho doanh nghiệp để thực hiện nghĩa vụ kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi theo quy định của pháp luật.
* Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020:
Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh bao gồm một, một số hoặc toàn bộ ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
Hiện hành, quy định chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp. |
* Sửa đổi, bổ sung Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020:
Doanh nghiệp nhà nước
(1) Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
(2) Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Hiện hành đang quy định về doanh nghiệp nhà nước như sau: (1) Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm: (i) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; (ii) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trừ doanh nghiệp quy định tại (i). (2) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại (i) bao gồm: - Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; - Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. (3) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại (ii): - Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; - Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. (4) Chính phủ quy định chi tiết Điều này. |
Xem thêm nội dung tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp 2020.