Thủ tục hành chính phải đảm bảo quyền lợi cho cơ quan tổ chức (Hình từ Internet)
Theo Điều 5 Nghị định 78/2025/NĐ-CP quy định về thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, thủ tục hành chính phải đảm bảo quyền lợi cho cơ quan tổ chức. Cụ thể:
(1) Thủ tục hành chính chỉ được quy định để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương;
- Thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh.
(2) Thủ tục hành chính quy định trong văn bản quy phạm pháp luật phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
- Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả của quy định về thủ tục hành chính;
- Minh bạch, đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hiện;
- Tiết kiệm thời gian và chi phí của cơ quan, tổ chức và cá nhân;
- Bảo đảm quyền bình đẳng của các đối tượng thực hiện thủ tục hành chính;
- Bảo đảm tính liên thông giữa các thủ tục hành chính liên quan, thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng, minh bạch, hợp lý;
- Bảo đảm quy định đầy đủ, cụ thể các bộ phận tạo thành của thủ tục hành chính theo pháp luật về kiểm soát thủ tục hành chính. Trường hợp không quy định đầy đủ, cụ thể các bộ phận cấu thành thì giao cơ quan có trách nhiệm quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan đó;
- Không yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp các thành phần hồ sơ đã có trong Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành do cơ quan nhà nước quản lý được chia sẻ, khai thác theo quy định của pháp luật.
(3) Cơ quan lập đề xuất chính sách, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm đánh giá tác động của thủ tục hành chính nếu giải pháp thực hiện chính sách có thủ tục hành chính; dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính. Việc đánh giá tác động thủ tục hành chính thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Đánh giá tác động thủ tục hành chính
Theo Điều 29 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025, đánh giá tác động của thủ tục hành chính thuộc nội dung quy định đánh giá tác động của chính sách. Cụ thể như sau:
(i) Cơ quan lập đề xuất chính sách có trách nhiệm đánh giá tác động của chính sách.
(ii) Nội dung đánh giá tác động của chính sách bao gồm:
- Tác động đối với hệ thống pháp luật được đánh giá trên cơ sở phân tích về tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật của chính sách; tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
- Tác động về kinh tế - xã hội được đánh giá trên cơ sở phân tích, dự báo chi phí, lợi ích, tác động tích cực, tiêu cực về một hoặc một số nội dung liên quan đến sản xuất, kinh doanh, việc làm, dân tộc, tôn giáo, văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường, quốc phòng, an ninh; các vấn đề khác có liên quan đến kinh tế - xã hội;
- Tác động về giới (nếu có) được đánh giá trên cơ sở phân tích về cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới;
- Tác động của thủ tục hành chính (nếu có) được đánh giá trên cơ sở phân tích về sự cần thiết của thủ tục hành chính để thực hiện chính sách.
(iii) Đối với dự thảo luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025, trước khi biểu quyết thông qua, nếu bổ sung chính sách mới thì cơ quan trình có trách nhiệm tổ chức đánh giá tác động của chính sách đó.
Trên đây là nội dung quy định thủ tục hành chính phải đảm bảo quyền lợi cho cơ quan tổ chức theo Nghị định 78/2025/NĐ-CP.
Lê Quang Nhật Minh