Hình thức xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân từ 01/4/2025

10/04/2025 11:00 AM

Nội dung bài viết sau cập nhật hình thức xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định pháp luật có hiệu lực từ 01/4/2025.

Hình thức xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân từ 01/4/2025 (Hình ảnh từ Internet)

Hình thức xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân từ 01/4/2025 (Hình ảnh từ Internet)

Ngày 01/4/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 77/2025/NĐ-CP quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Hình thức xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân từ 01/4/2025

Cụ thể, tại Điều 8 Nghị định 77/2025/NĐ-CP quy định về hình thức xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân như sau:

* Giao tài sản cho cơ quan quản lý chuyên ngành quản lý, xử lý đối với tài sản sau:

- Bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật và vật khác có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa được giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định 77/2025/NĐ-CP.

- Vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện đặc chủng và tài sản khác liên quan đến quốc phòng, an ninh được giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định 77/2025/NĐ-CP.

- Tài sản là mẫu vật của các loài động vật, thực vật, thủy sản quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 7 Nghị định 77/2025/NĐ-CP được giao cho vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài sinh cảnh, vườn động vật, vườn thực vật, bảo tàng thiên nhiên, cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ sở bảo tồn, cơ sở cứu hộ để sử dụng vào mục đích bảo tồn, làm mẫu vật nhận dạng loài, nghiên cứu khoa học, đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành bảo đảm phù hợp với từng loại mẫu vật và điều kiện của nơi được chuyển giao.

- Chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân, hóa chất nguy hiểm, hóa chất độc hại được giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành quy định tại điểm e khoản 2 Điều 7 Nghị định 77/2025/NĐ-CP.

- Tài sản là gỗ bị tịch thu sử dụng làm mẫu trong cơ sở dữ liệu nhận dạng gỗ được chuyển giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành quy định tại điểm d khoản 2 Điều 7 Nghị định 77/2025/NĐ-CP.

* Giao tài sản hoặc điều chuyển tài sản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng như sau:

- Giao tài sản được áp dụng trong trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiếp nhận tài sản là đơn vị cấp dưới của cơ quan, người có thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án xử lý tài sản.

- Điều chuyển tài sản được áp dụng trong các trường hợp không thuộc phạm vi quy định tại điểm a khoản này.

Việc giao, điều chuyển tài sản quy định tại điểm a, điểm b khoản này phải căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Riêng đối với tài sản là gỗ bị tịch thu được giao, điều chuyển để sử dụng vào mục đích theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị định 77/2025/NĐ-CP hoặc giao, điều chuyển cho cơ quan, đơn vị để xây dựng trụ sở, hình thành máy móc, thiết bị làm việc của cơ quan nhà nước, xây dựng các công trình công cộng phục vụ cho nhu cầu dân sinh như cơ sở y tế công lập, cơ sở giáo dục công lập, các trung tâm văn hóa, thể thao công lập, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

* Nộp vào ngân sách nhà nước đối với:

- Tiền Việt Nam.

- Ngoại tệ.

* Bán đối với tài sản không thuộc quy định tại khoản 1, điểm a khoản 3, khoản 5, khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều 8 Nghị định 77/2025/NĐ-CP, tài sản quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 77/2025/NĐ-CP nhưng không áp dụng được hình thức giao, điều chuyển, hình thức xử lý khác.

Riêng việc xử lý đối với gỗ bị tịch thu theo thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

* Thanh lý đối với tài sản còn giá trị, khả năng sử dụng nhưng không đủ điều kiện công bố tiêu chuẩn, công bố hợp quy theo quy định pháp luật hoặc tài sản có thể bán được dưới dạng linh kiện, phụ tùng tách rời.

* Tiêu hủy được áp dụng đối với:

- Tài sản không còn giá trị sử dụng gồm: hàng hóa, vật phẩm đã hư hỏng; hàng hóa, vật phẩm quá hạn sử dụng.

- Tài sản không còn khả năng sử dụng; tài sản là hàng hóa, vật phẩm thuộc danh mục cấm sản xuất, cấm kinh doanh, cấm lưu thông do các Bộ quản lý chuyên ngành công bố theo quy định của pháp luật; tài sản có chi phí kiểm nghiệm, kiểm định, giám định để bán hoặc chi phí thực hiện bán lớn hơn số tiền dự kiến thu được nếu thực hiện xử lý theo hình thức bán; tài sản không đủ mẫu để kiểm định, giám định chất lượng theo quy định; tài sản không đáp ứng tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn hoặc điều kiện lưu thông trên thị trường do các Bộ quản lý chuyên ngành công bố theo quy định của pháp luật.

- Hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người; văn hóa phẩm độc hại theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; ma túy, hàng giả; hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ; hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa đó quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; hàng có chứa thành phần, nội dung vi phạm chủ quyền quốc gia và các tài sản khác buộc phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

- Mẫu vật các loài động vật, thực vật, thủy sản hoang dã thuộc Phụ lục I của Công ước CITES có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP); thủy sản nguy cấp, quý, hiếm đã chết; vật nuôi, cây trồng, động vật rừng đã chết; tài sản là sản phẩm chế tác từ động vật rừng; các tài sản khác buộc phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

- Gỗ không xử lý được theo hình thức quy định điểm c, điểm đ khoản 1, khoản 2, khoản 4 và khoản 7 Điều 8 Nghị định 77/2025/NĐ-CP.

* Tài sản bị tịch thu có nguồn gốc từ nước ngoài là gỗ; động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục của Công ước CITES xử lý như sau:

- Trả lại quốc gia nơi khai thác đối với tài sản là gỗ.

- Trả lại quốc gia xuất khẩu đối với tài sản là động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục của Công ước CITES trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này.

- Xử lý theo các hình thức khác quy định tại Điều 8 Nghị định 77/2025/NĐ-CP đối với trường hợp không áp dụng được các hình thức xử lý quy định tại điểm a, điểm b khoản này.

* Hình thức xử lý khác theo quy định của pháp luật.

* Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn việc xử lý tài sản là động vật, thực vật rừng quy định tại Điều 8 Nghị định 77/2025/NĐ-CP; động vật, thực vật, thủy sản hoang dã thuộc những loài nguy cấp, quý hiếm Nhóm I ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 77/2025/NĐ-CP) và những loài thuộc Phụ lục I của Công ước CITES quy định tại Điều 8 Nghị định 77/2025/NĐ-CP.

Xem thêm Nghị định 77/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2025.

Chia sẻ bài viết lên facebook 113

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079