Doanh nghiệp “ngại” về quy định bảo vệ môi trường

26/09/2014 16:02 PM

Những quy định tại dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường bị nhiều doanh nghiệp cho là “khắc nghiệt”.



Các quy định về bảo vệ môi trường đang đặt ra nghiêm ngặt hơn. Ảnh: Lương Bằng.

Nhập khẩu phế liệu phải kí quỹ

Tại cuộc họp lấy ý kiến về dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 26-9, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam cho rằng: Đề xuất doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu phải kí quỹ với số tiền bằng 80% tổng giá trị lô hàng phế liệu là quá lớn.

Năm 2013 ngành thép sản xuất 5,5 triệu tấn thép thô. Năm nay dự tính sản lượng 6 triệu tấn thép thô. 80-90% sản lượng thép thô luyện bằng công nghệ lò điện hồ quang, nguyên liệu chính là sắt thép phế.

“Hàng năm doanh nghiệp phải nhập khẩu 3,5 triệu tấn sắt thép phế với số tiền là 1,4 tỉ USD. Như vậy số tiền kí quỹ sẽ lên đến trên 1 tỉ USD, tương đương khoảng 23 nghìn tỉ đồng. Đó là gánh nặng quá lớn đối với các doanh nghiệp ngành thép” – ông Nguyễn Văn Sưa lo lắng.

Đại diện Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam… cũng có chung lo ngại như của vị đại biểu đến từ Hiệp hội thép.

Đại diện các đơn vị này đều kiến nghị quy định mức kí quỹ nhập khẩu phế liệu “càng thấp càng tốt”.

Còn bà Đỗ Thị Thu Phương, Ban An toàn sức khỏe môi trường, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lại đánh giá: Luật Bảo vệ môi trường và dự thảo Nghị định hướng dẫn siết chặt về mặt quản lí môi trường nhưng không làm đơn giản thủ tục hành chính. Những nhà đầu tư dầu khí nước ngoài băn khoăn về dự thảo Nghị định này, vì có nhiều quy định khó khăn hơn trước đây.

Bà Đỗ Thị Thu Phương dẫn chứng quy định tại dự thảo Nghị định yêu cầu báo cáo tác động môi trường (ĐTM) phải được đưa đến tận địa bàn dân cư để lấy ý kiến thay vì gửi thẳng cho UBND xã lấy ý kiến như quy định trước đây.

“Có lẽ đa số những ai từng đi lập báo cáo ĐTM thấy được sự khó khăn khi tham vấn cộng đồng như thế nào. Thực hiện ĐTM mất rất nhiều thời gian trong khi tiến độ dự án vẫn phải đảm bảo. Nếu phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, nhiều khi mất 2- 3 tháng vẫn không xin được ý kiến. Cho nên tôi đề nghị vẫn giữ quy định cũ cho phép doanh nghiệp gửi văn bản xin ý kiến về UBND xã, sau 15 ngày không nhận được ý kiến trả lời thì coi như đã được chấp thuận” – Bà Đỗ Thị Thu Phương đề nghị.

Doanh nghiệp kiến nghị, cơ quan chức năng bỏ ngoài tai?

Trong giờ nghỉ giải lao, đại diện một doanh nghiệp tất tả đi tìm thành viên của Ban soạn thảo Nghị định. Người này chia sẻ: Bức xúc quá. Bao nhiêu kiến nghị đều không thấy họ tiếp thu.

Đánh giá việc tiếp thu các góp ý của cộng đồng doanh nghiệp với Ban soạn thảo Nghị định, ông Nguyễn Minh Đức, đại diện VCCI thống kê: Chúng tôi gửi sang Bộ Tài nguyên và Môi trường 38 kiến nghị, thì Bộ chỉ tiếp thu 16 kiến nghị. Tỉ lệ này không cao hơn so với các luật khác, thậm chí còn thấp hơn nhiều. Một phần vì kiến nghị của doanh nghiệp thiên về bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, hơi trái quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bình luận về điều này, ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư kí Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam nhận xét: Như vậy giữa cơ quan quản lí và doanh nghiệp vẫn còn khoảng cách. Nếu khoảng cách càng lớn, doanh nghiệp vì mưu sinh sẽ tìm các công cụ hỗ trợ để qua mặt cơ quan quản lí.

“Mong ông Dương Thanh An gần gũi hơn chút nữa với doanh nghiệp trên cơ sở bảo vệ môi trường và lợi ích của doanh nghiệp” – ông Bảo nhắn nhủ đại diện của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đang ngồi ở vị trí chủ trì hội thảo.

Phản hồi lại các bức xúc của cộng đồng doanh nghiệp, ông Dương Thanh An, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế - Tổng cục Môi trường cho rằng: Quy định kí quỹ bảo vệ môi trường là việc “cực chẳng đã” phải làm. Lí do là có “con sâu làm rầu nồi canh”, một số doanh nghiệp nhập phế liệu rồi để bừa bãi ở các kho bãi, cảng, gây ảnh hưởng đến môi trường.

Khi bị doanh nghiệp “chê” không tiếp thu ý kiến góp ý, ông Dương Thanh An tỏ ra không đồng tình. Ông An cho rằng: Anh Nguyễn Minh Đức nói nhiều kiến nghị của VCCI không được được tiếp thu, tôi xin nói lại là có thể anh Đức “chấm điểm” ngặt nghèo quá. Bởi vì chúng tôi thấy hầu hết phát hiện của VCCI đều là vấn đề nóng bỏng, cho nên chúng tôi đã tiếp thu 70-80% các góp ý, còn lại là những góp ý không thể tiếp thu được.

Lương Bằng

Theo Thanh niên

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,757

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079