Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội (Hình từ Internet)
Tại Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, Bộ Nội vụ đề xuất xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội gồm các nội dung như sau:
(1) Hình thức xử phạt
- Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh bảo hiểm xã hội thì bị xử phạt theo hình thức xử phạt chính là phạt tiền.
- Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung.
(2) Hành vi vi phạm, mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt
Hành vi vi phạm, mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo hiểm xã hội theo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.
(3) Biện pháp khắc phục hậu quả
Ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, hình thức xử phạt bổ sung, các cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo hiểm xã hội có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
- Buộc người sử dụng lao động trả đủ khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đó.
- Buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
- Buộc người sử dụng lao động nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chậm đóng, trốn đóng và số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng.
- Buộc nộp lại cho cơ quan bảo hiểm xã hội số tiền bảo hiểm xã hội, số tiền trợ cấp thất nghiệp, số tiền hỗ trợ học nghề, số tiền hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động đã nhận và khoản tiền lãi của số tiền này.
- Buộc người sử dụng lao động hoàn trả cho người lao động số tiền hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc đã chiếm dụng của người lao động và khoản tiền lãi của số tiền này.
- Buộc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nộp lại số tiền đã trục lợi cho cơ quan bảo hiểm xã hội và khoản tiền lãi của số tiền này.
- Buộc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện dạy đủ thời gian khóa học mà người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề.
- Buộc người sử dụng lao động nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội số tiền hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề không sử dụng hết so với phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Xem thêm tại Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội.
Lê Quang Nhật Minh