Thực tiễn đòi hỏi có Luật biểu tình

03/10/2011 08:14 AM

TT - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề xuất xây dựng Luật biểu tình và giao Bộ Công an chủ trì soạn thảo đạo luật này. Đó là thông tin được bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuần qua.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương (nguyên viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học Bộ Công an) nói:

Thiếu tướng Lê Văn Cương - Ảnh: Nguyễn Khánh

- Trước hết cần thấy rằng biểu tình là một trong những quyền tự do cơ bản nhất của người dân, để biểu thị thái độ của mình trước một vấn đề trong nước hoặc ngoài nước, đó có thể là những vấn đề ở tầm vĩ mô hoặc trực tiếp liên quan đến cuộc sống của họ.

Nhìn trên phạm vi toàn thế giới, biểu tình là câu chuyện bình thường trong các xã hội văn minh. Từ nhận thức như vậy, có thể nói việc xây dựng Luật biểu tình ở VN hết sức cần thiết và cũng là lẽ bình thường.

- Không phải tự nhiên mà quyền biểu tình của người dân được đưa vào Hiến pháp, đạo luật gốc của quốc gia. Hiến pháp năm 1959, điều 25 ghi rõ: “Công dân nước VN Dân chủ cộng hòa có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình”. Hiến pháp 1980 cũng nêu: “Công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do biểu tình, phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân”.

 Đến Hiến pháp 1992, điều 69 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật” và lần sửa đổi Hiến pháp năm 2001 quy định này vẫn được giữ nguyên.

Nhìn vấn đề một cách hệ thống như vậy, chúng ta thấy chủ trương của Đảng và Nhà nước rất nhất quán. Tuy nhiên vì sao trong một thời gian dài chưa có Luật biểu tình, tôi nghĩ rằng vấn đề nằm ở mô hình xây dựng đất nước trước đây...

Chúng ta đã quen với mittinh, biểu tình hoan nghênh, ủng hộ mà không quen biểu tình phản đối. Trong một xã hội văn minh phải quen với chuyện như vậy. Nhà nước sinh ra không hoàn thiện ngay mà phải thông qua hoạt động thực tiễn để hoàn thiện dần.

Xã hội phát triển, có những điều cần trở nên bình thường thì cơ quan quản lý lại chưa quen làm, thậm chí nhận thức chưa hết. Đó là sự trì trệ của tư duy và nếp nghĩ, không theo kịp cuộc sống.

Khi người dân biểu tình thì cũng không nên gọi là “tụ tập đông người”. Tụ tập là mức độ thấp của biểu tình, dân ta khi nói tụ tập là có gì đó không lành mạnh. Trong khi đó chúng ta đặt vấn đề xây dựng Luật biểu tình thì có nghĩa đây là quyền chính đáng của người dân.

Thiếu tướng LÊ VĂN CƯƠNG

- Theo mô hình trước đây, trong nền kinh tế chủ yếu là quốc doanh và hợp tác xã, các thành phần kinh tế khác chiếm tỉ lệ không đáng kể. Như vậy với quan niệm người lao động là người chủ đích thực, không có quan hệ chủ thợ... cũng có thể dẫn đến quan niệm không cần biểu tình.

 Từ Đại hội VI của Đảng, chúng ta triển khai đường lối đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và đã xuất hiện những vấn đề hoàn toàn mới so với trước. Trong bối cảnh mới, đông đảo người lao động làm việc trong các dự án FDI, liên doanh, công ty cổ phần...

Rõ ràng trong doanh nghiệp cụ thể thì họ là người làm thuê, không phải làm chủ. Từ đó xuất hiện nhu cầu khách quan của người lao động cần thể hiện thái độ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Chúng ta đã thống kê được rất nhiều cuộc đình công hằng năm ở các khu công nghiệp trong Nam ngoài Bắc. Người ta đòi giới chủ tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc, bảo hộ lao động. Tôi cho rằng đó là sự tồn tại khách quan và phải được pháp luật bảo hộ.

- Bên cạnh nhu cầu biểu thị thái độ đối với giới chủ của người lao động, cùng với quá trình đổi mới đất nước, sự phát triển của xã hội và xu thế hội nhập toàn cầu, nhu cầu biểu tình còn có nhiều khía cạnh khác mà ngay một lúc khó liệt kê ra hết.

Có thể đó là người dân biểu thị ủng hộ một chủ trương hoặc hoạt động nào đó của chính quyền. Hoặc là ủng hộ xu thế hợp tác, phát triển và hòa bình trên thế giới, phản đối các thế lực gây chiến tranh, mất ổn định. Chính quyền ở địa phương bên cạnh hàng trăm cái đúng chắc chắn cũng có những cái không phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân, do vậy nếu người dân muốn bày tỏ thái độ thì điều đó là chính đáng. Doanh nghiệp nào đó gây ô nhiễm môi trường, người dân đã gửi đơn khiếu kiện nhiều nơi mà không được giải quyết, rõ ràng cộng đồng dân cư có quyền biểu thị thái độ của mình...

Ở đây, thực tiễn càng đa dạng bao nhiêu càng cần có luật pháp để điều chỉnh bấy nhiêu.

- Chỉ sợ tình trạng không có luật pháp. Nếu luật pháp minh định rõ ràng thì không ai có thể lợi dụng quy định pháp luật để làm hại cho xã hội, cho Nhà nước. Chúng ta xác định Nhà nước của dân, do dân và vì dân sao lại e ngại khó khăn. Tôi luôn nghĩ rằng người dân mình rất tốt, gắn bó máu thịt với Đảng từ những ngày đầu cách mạng đến nay, cần phải tin dân chứ không phải sợ dân.

Phải thấy rằng người dân bình thường không ai muốn đảo lộn gì cả, ai cũng muốn yên ổn làm ăn, người ta chỉ yêu cầu chính đáng là tổ chức, cá nhân khắc phục cái sai để làm tốt hơn...

- Về phía công dân, quyền bao giờ cũng gắn với nghĩa vụ. Ví dụ như anh đi biểu tình thì phải báo trước cho chính quyền 10 ngày với các nội dung như biểu tình về vấn đề gì, tuyến đường và lượng người dự kiến, biểu ngữ ra sao... Nghĩa là luật phải nêu rõ quyền và nghĩa vụ của người dân.

Bên cạnh đó là trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Nói chung là đảm bảo hành lang pháp lý cho các bên liên quan hoạt động, bao gồm cả hai mặt quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm để tránh những hành động thái quá. Bất cứ nhà nước văn minh nào cũng làm như vậy.

- Cần quy định rõ nếu tổ chức, cá nhân nào đó yêu cầu biểu tình về vấn đề này, vấn đề kia mà đúng luật pháp thì trong thời gian nhất định chính quyền phải trả lời, đồng thời công khai, minh bạch cách giải quyết của chính quyền trước công luận.

Luật phải ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan công quyền chứ không phải thiên về quản lý. Nếu người dân bày tỏ thái độ đúng pháp luật và trong trật tự thì cơ quan quản lý nhà nước phải trả lời và buộc lòng đáp ứng quyền cơ bản này.

- Cách hành xử đối với biểu tình phải hết sức văn minh. Tôi nghĩ đây là thước đo rất quan trọng. Ví dụ với một cuộc biểu tình đúng pháp luật diễn ra trên đường phố thì công việc của lực lượng chức năng là hướng dẫn bà con tuần hành, khi xảy ra vấn đề gì đó trước hết cần có sự thuyết phục...

Như tôi đã nói, khi có luật thì các bên liên quan căn cứ quy định pháp luật để thực hiện quyền và chức năng của mình. Để xây dựng Luật biểu tình, không cần đi đâu xa, chúng ta nên tham khảo ngay các nước trong khu vực xem họ ứng xử với biểu tình như thế nào. Ví dụ như Thái Lan, biểu tình và phát triển kinh tế - xã hội có quan hệ, ảnh hưởng thế nào? Chúng ta thấy kinh tế Thái Lan vẫn phát triển trong những năm qua.

VÕ VĂN THÀNH thực hiện

Chia sẻ bài viết lên facebook 1,925

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079