Thủ tục xét thăng hạng giáo viên trung học phổ thông hạng I

29/04/2025 18:57 PM

Bài viết dưới đây là thủ tục xét thăng hạng giáo viên trung học phổ thông hạng I theo Quyết định 1137/QĐ-BGDĐT.

Thủ tục xét thăng hạng giáo viên trung học phổ thông hạng I

Thủ tục xét thăng hạng giáo viên trung học phổ thông hạng I (Hình từ internet)

Thủ tục xét thăng hạng giáo viên trung học phổ thông hạng I

Theo thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước thuộc phạm vi, chức năng quản lý của bộ Giáo dục và Đào tạo (Ban hành kèm theo Quyết định 1137/QĐ-BGDĐT ngày 24/4/2025), thì có quy định cụ thể về thủ tục xét thăng hạng giáo viên trung học phổ thông hạng I như sau:

Trình tự thực hiện

Bước 1: Xây dựng Đề án xét thăng hạng

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc cơ quan, đơn vị được phân cấp, ủy quyền tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I (sau đây gọi chung là cơ quan có thẩm quyền tổ chức xét thăng hạng) xây dựng Đề án tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên. Nội dung của Đề án gồm:

- Số lượng, cơ cấu giáo viên theo chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I hiện có của đơn vị; số lượng giáo viên trung học phổ thông hạng I còn thiếu theo yêu cầu của vị trí việc làm và đề xuất chỉ tiêu thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I (theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP);

- Danh sách giáo viên đủ tiêu chuẩn, điều kiện được cử xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I (theo Mẫu số 06 ban hành kèm theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP);

- Dự kiến thành viên tham gia Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp;

- Tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I;

- Các thành tích trong hoạt động nghề nghiệp làm căn cứ xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 40 Nghị định 115/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 20 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP;

- Dự kiến thời gian, địa điểm và các nội dung khác để tổ chức kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Bước 2: Tổ chức xét thăng hạng

Cơ quan có thẩm quyền tổ chức xét thăng hạng thành lập Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

Bước 3: Thông báo kết quả xét thăng hạng

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thẩm định hồ sơ xét thăng hạng và xác định danh sách người trúng tuyển, Chủ tịch Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp báo cáo người đứng đầu cơ quan, có thẩm quyền tổ chức xét thăng hạng phê duyệt kết quả kỳ xét thăng hạng và danh sách viên chức trúng tuyển bằng văn bản.

Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định phê duyệt kết quả kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp có trách nhiệm thông báo kết quả xét thăng hạng và danh sách giáo viên trúng tuyển bằng văn bản tới cơ quan, đơn vị cử giáo viên tham dự kỳ xét thăng hạng; đồng thời thông báo công khai trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên.

Bước 4: Bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên trúng tuyển kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được danh sách giáo viên trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tổ chức xét thăng hạng hoặc người được phân cấp, ủy quyền phải thực hiện việc bổ nhiệm và xếp lương ở chức danh nghề nghiệp mới đối với giáo viên trúng tuyển theo quy định.

Trường hợp giáo viên đã trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng nhưng sau đó bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị kỷ luật hoặc bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì chưa ra quyết định bổ nhiệm và xếp lương ở chức danh nghề nghiệp trúng tuyển. Khi hết thời hạn xử lý kỷ luật mà không bị kỷ luật hoặc hết thời gian thi hành quyết định kỷ luật hoặc sau khi có quyết định của cấp có thẩm quyền đối với trường hợp bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì căn cứ vào cơ cấu giáo viên theo chức danh nghề nghiệp đã được phê duyệt tại thời điểm xem xét, quyết định bổ nhiệm, cấp có thẩm quyền quyết định việc bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Thời điểm hưởng lương mới, thời gian xét nâng bậc lương lần sau, việc kéo dài thời gian nâng bậc lương (nếu có) thực hiện theo quy định của pháp luật.

Thành phần và số lượng hồ sơ

Thành phần hồ sơ:

- Hồ sơ đăng ký xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp bao gồm:

+ Sơ yếu lý lịch viên chức theo quy định hiện hành được lập chậm nhất là 30 ngày trước thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, có xác nhận của cơ quan, đơn vị sử dụng giáo viên;

+ Bản nhận xét, đánh giá của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng giáo viên hoặc của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập về các tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp của giáo viên theo quy định;

+ Văn bản phê duyệt kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức của 03 năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp;

+ Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của chức danh nghề nghiệp xét thăng hạng.

+ Các minh chứng theo tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp xét thăng hạng.

Trường hợp giáo viên có một trong các văn bằng, chứng chỉ quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 115/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP thì được xác định là đáp ứng tiêu chuẩn về khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc sử dụng tiếng dân tộc thiểu số của hạng chức danh nghề nghiệp đăng ký dự xét thăng hạng.

Đối với các tiêu chuẩn không có minh chứng là các văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, quyết định, bằng khen, giấy khen, đề tài, đề án hoặc sản phẩm được ứng dụng trong giáo dục, giảng dạy học sinh và tài liệu có liên quan thì minh chứng là biên bản đánh giá, nhận xét về khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn đó của tổ chuyên môn, tổ bộ môn hoặc tương đương và có xác nhận của người đứng đầu cơ sở giáo dục trực tiếp quản lý, sử dụng giáo viên.

Số lượng hồ sơ: 01 bộ

Thời hạn giải quyết

35 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thẩm định hồ sơ xét thăng hạng và xác định danh sách người trúng tuyển, người đứng đầu người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tổ chức xét thăng hạng phải thực hiện việc bổ nhiệm và xếp lương ở chức danh nghề nghiệp mới đối với viên chức trúng tuyển.

Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính

Giáo viên trung học phổ thông hạng II.

Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc cơ quan, đơn vị được phân cấp, ủy quyền tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I.

Kết quả thực hiện thủ tục hành chính

Quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I.

Lệ phí

Theo quy định tại Thông tư số 92/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức.

Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính

Giáo viên trung học phổ thông được đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I (mã số V.07.05.13) khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

- Đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II (mã số V.07.05.14).

- Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II và tương đương, có 05 năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có ít nhất 02 năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật; không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật.

- Đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5 Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT và khoản 2 Điều 4 Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT.

- Đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm h khoản 4 Điều 5 Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT và khoản 3 Điều 4 Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT.

Trong đó, các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng theo quy định tại điểm h khoản 4 Điều 5 Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT phải là các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng đạt được trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II và tương đương.

- Đáp ứng yêu cầu về thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II (bao gồm cả thời gian giữ hạng tương đương) theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT.

Nguyễn Tùng Lâm

Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079