Xác nhận khả năng thanh toán tiền giao dịch chứng khoán và phong tỏa tiền đảm bảo khả năng thanh toán (Hình từ Internet)
Theo Điều 40d Thông tư 18/2025/TT-BTC bổ sung vào Thông tư 119/2020/TT-BTC, việc xác nhận khả năng thanh toán tiền giao dịch chứng khoán và phong tỏa tiền đảm bảo khả năng thanh toán được quy định như sau:
(1) Xác nhận khả năng thanh toán tiền giao dịch chứng khoán
- Đối với giao dịch chứng khoán (không bao gồm giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức): thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp là bên phải trả tiền thực hiện xác nhận với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam về việc có đủ tiền hoặc không có đủ tiền để thanh toán cho nghĩa vụ phải trả của chính mình, khách hàng của mình (nếu có);
- Đối với giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức: thành viên lưu ký nơi nhà đầu tư mở tài khoản lưu ký chứng khoán xác nhận với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam về việc có đủ tiền hoặc không có đủ tiền để thanh toán cho nghĩa vụ phải trả của nhà đầu tư.
(2) Trường hợp xác nhận có đủ tiền thanh toán:
- Tổ chức mở tài khoản trực tiếp phải có đủ tiền trên tài khoản tiền gửi của mình tại ngân hàng thanh toán để ngân hàng thanh toán phong tỏa, đảm bảo thanh toán cho giao dịch chứng khoán của chính mình theo nghĩa vụ thanh toán do Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thông báo;
- Thành viên lưu ký phải có đủ tiền trên tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thanh toán (đối với công ty chứng khoán), trên tài khoản tiền gửi tại ngân hàng lưu ký (đối với ngân hàng lưu ký) để ngân hàng thanh toán, ngân hàng lưu ký phong tỏa, đảm bảo thanh toán cho giao dịch chứng khoán của chính mình, khách hàng của mình (tách biệt khách hàng trong nước và nước ngoài) theo nghĩa vụ thanh toán do Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thông báo.
(3) Trường hợp xác nhận không có đủ tiền thanh toán:
(i)Tổ chức mở tài khoản trực tiếp, công ty chứng khoán đề nghị ngân hàng thanh toán phong tỏa số tiền mua chứng khoán đã có, thông báo cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thông tin chi tiết giao dịch thiếu tiền để Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam loại bỏ thanh toán giao dịch này ngoại trừ giao dịch không bị loại bỏ quy định tại (4);
(ii) Ngân hàng lưu ký phong tỏa số tiền mua chứng khoán đã có, đồng thời xác định giao dịch thiếu tiền để thanh toán và thực hiện:
- Đối với giao dịch thiếu tiền của ngân hàng lưu ký, khách hàng trong nước, khách hàng nước ngoài không phải nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh, ngân hàng lưu ký thông báo cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thông tin chi tiết giao dịch thiếu tiền để Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam loại bỏ thanh toán các giao dịch này.
- Đối với giao dịch thiếu tiền của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh, ngân hàng lưu ký thông báo thông tin giao dịch thiếu tiền cho công ty chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam để công ty chứng khoán yêu cầu ngân hàng thanh toán phong tỏa tiền đảm bảo thanh toán cho các giao dịch này.
(iii) Trường hợp thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp không gửi hoặc gửi không đúng thời hạn thông tin chi tiết giao dịch thiếu tiền để thanh toán theo quy định tại (i) và (ii), Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam tự xác định các giao dịch mua chứng khoán để loại bỏ thanh toán theo nguyên tắc quy định tại quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
(4) Đối với giao dịch thiếu tiền quy định tại (i) và (ii) là giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức:
- Trường hợp tổng các giá trị giao dịch thiếu tiền này tại công ty chứng khoán không vượt quá hiệu số giữa số tiền đóng góp quỹ hỗ trợ thanh toán và số tiền đã sử dụng quỹ chưa hoàn trả của công ty chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam không loại bỏ thanh toán các giao dịch này. Công ty chứng khoán có trách nhiệm phải thanh toán đầy đủ tiền cho các giao dịch vào ngày thanh toán;
- Trường hợp tổng giá trị các giao dịch thiếu tiền tại công ty chứng khoán vượt quá hiệu số giữa số tiền đóng góp quỹ hỗ trợ thanh toán và số tiền đã sử dụng quỹ chưa hoàn trả của công ty chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam yêu cầu công ty chứng khoán cung cấp thông tin chi tiết giao dịch thiếu tiền tương ứng với số tiền vượt quá và thực hiện loại bỏ thanh toán giao dịch theo nguyên tắc tổng giá trị các giao dịch thiếu tiền còn lại không bị loại bỏ của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán trong cùng ngày không vượt quá 50 tỷ đồng; công ty chứng khoán gửi thông báo thông tin giao dịch thiếu tiền trước được Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam xử lý trước. Trường hợp một công ty chứng khoán có nhiều hơn một giao dịch mua cổ phiếu thiếu tiền, giao dịch bị loại bỏ là giao dịch được xác lập sau. Công ty chứng khoán có trách nhiệm phải thanh toán đầy đủ tiền cho các giao dịch không bị loại bỏ vào ngày thanh toán.
- Trường hợp công ty chứng khoán không cung cấp hoặc cung cấp thông tin chi tiết giao dịch thiếu tiền theo quy định tại điểm b khoản này không đúng thời hạn quy định tại quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam tự xác định giao dịch thiếu tiền để loại bỏ theo quy định tại (iii).
(5) Sau khi Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hoàn tất việc loại bỏ thanh toán giao dịch theo quy định tại (3) và (4), việc phong tỏa tiền để đảm bảo thanh toán giao dịch chứng khoán theo nghĩa vụ thanh toán đã được Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam xác định lại được thực hiện theo quy định tại (2).
(6) Ngân hàng thanh toán, ngân hàng lưu ký có trách nhiệm phong tỏa và gửi thông báo xác nhận đã phong tỏa tiền để đảm bảo thanh toán giao dịch chứng khoán cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Trường hợp có sai sót trong việc xác nhận phong tỏa, ngân hàng thanh toán, ngân hàng lưu ký chịu trách nhiệm thanh toán thay cho công ty chứng khoán, nhà đầu tư và chịu các chi phí phát sinh (nếu có).
(7) Sau khi hoàn tất thanh toán giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán được đề nghị ngân hàng thanh toán giải tỏa số tiền đã phong tỏa để đảm bảo thanh toán cho nghĩa vụ thanh toán nhưng không sử dụng.
(8) Tổ chức mở tài khoản trực tiếp, công ty chứng khoán phải ký thỏa thuận với ngân hàng thanh toán để phong tỏa, xác nhận phong tỏa, giải tỏa tiền theo quy định tại các khoản (2), (3), (7) Điều này.
(9) Ngân hàng thanh toán, ngân hàng lưu ký đã thực hiện phong tỏa và xác nhận phong tỏa tiền theo quy định tại Điều này chỉ được sử dụng số tiền đã phong tỏa cho mục đích thanh toán giao dịch chứng khoán theo thông báo của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Trên đây là nội dung quy định xác nhận khả năng thanh toán tiền giao dịch chứng khoán và phong tỏa tiền đảm bảo khả năng thanh toán theo Thông tư 18/2025/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 5/5/2025.
Lê Quang Nhật Minh