Các chức danh lãnh đạo cấp xã của 34 tỉnh thành sau sáp nhập (Hình từ internet)
Tại Nghị quyết 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương); tên gọi và trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp được xác định theo các nguyên tắc nêu tại Tờ trình và Đề án của Đảng uỷ Chính phủ (Danh sách chi tiết kèm theo).
Theo Công văn 03/CV-BCĐ ngày 15/4/2025, thực hiện chủ trương của cấp có thẩm quyền về việc bố trí chức danh lãnh đạo cấp xã kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu các cơ quan tham mưu, giúp việc cho cấp ủy, mặt trận tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền để tăng số lượng công chức làm việc trực tiếp giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp, đề nghị các địa phương thực hiện như sau:
- Lãnh đạo HĐND cấp xã gồm Chủ tịch (chức danh kiêm nhiệm) và 01 Phó Chủ tịch (chức danh chuyên trách).
- Lãnh đạo UBND cấp xã gồm Chủ tịch (chức danh chuyên trách) và 02 Phó Chủ tịch (01 Phó Chủ tịch kiêm nhiệm chức danh Chánh Văn phòng HĐND và UBND; 01 Phó Chủ tịch kiêm nhiệm chức danh Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công).
- Các Ban của HĐND có Trưởng ban (chức danh kiêm nhiệm) và 01 Phó Trưởng ban (chức danh chuyên trách).
- Các phòng và tương đương của UBND có Trưởng phòng (chức danh chuyên trách hoặc do Phó Chủ tịch UBND kiêm nhiệm) và 01 cấp phó (chức danh chuyên trách).
Đối với trường hợp ĐVHC cấp xã giữ nguyên (không sắp xếp) và không tổ chức các phòng chuyên môn thì số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp xã có thể bố trí tăng thêm 01 Phó Chủ tịch để bảo đảm vai trò lãnh đạo, điều hành của chính quyền trong việc phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Giao địa phương căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ chủ động sắp xếp, bố trí sử dụng lãnh đạo kiêm nhiệm hoặc giảm cấp phó các phòng, ban chuyên môn để tăng số lượng công chức làm việc trực tiếp đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân của ĐVHC cấp xã mới.
Theo đó, sáng ngày 28/4/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) thì Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng nếu bố trí theo thuần túy thì số lãnh đạo xã, phòng chuyên môn chiếm tỷ lệ lớn. Do đó cần quy định linh hoạt trong bố trí cơ quan chuyên môn và tương đương hoặc theo vị trí việc làm, cụ thể:
- Về tổ chức cơ quan chuyên môn của chính quyền địa phương cấp xã, bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết, khi xây dựng đề án không tính theo cách sắp xếp cơ quan chuyên môn mà tính luôn theo vị trí việc làm. Bây giờ bình quân có 21 cán bộ công chức và 17 vị trí việc làm. Định hướng ban đầu theo vị trí việc làm là điều chỉnh tăng lên từ 17 lên 23 vị trí việc làm, mỗi vị trí có việc làm chung thì rất thuận cho việc vận hành, giảm bớt đi số lượng lãnh đạo.
- “Còn thêm các phòng ban chuyên môn thì số lượng lãnh đạo dự kiến chiếm tỷ lệ trên 1/3, theo tính toán của chúng tôi. Nếu bên Đảng thêm 3 phòng, bên chính quyền dự kiến phương án khoảng 4 phòng và tương đương, như vậy có 7 phòng, thuần túy mà nói nhân lên đã có 14 đồng chí lãnh đạo rồi. Nếu cộng lại rất nhiều nên chúng tôi rất sốt ruột”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông tin.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đây là cấp chính quyền hoàn chỉnh nên phải có tổ chức bộ máy, nhưng đồng thời phải phát huy vai trò vận hành chung theo hướng linh hoạt, nên giao địa phương căn cứ quy mô phát triển, quy mô dân số và đặc thù để bố trí cơ quan chuyên môn và tương đương hoặc bố trí theo vị trí việc làm. Chính phủ sẽ hướng dẫn chi tiết nhưng phải phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương để định hình bộ máy.
Bộ trưởng cũng khẳng định, nếu đã làm lãnh đạo xã thì kiêm nhiệm. Ví dụ bí thư kiêm chủ tịch HĐND, Phó bí thư kiêm Chủ tịch ủy ban MTTQ cấp xã, trưởng các ban HĐND phải kiêm trưởng các tổ chức đảng hoặc tổ chức chính trị xã hội, phó chủ tịch ủy ban kiêm giám đốc trung tâm hành chính… để giảm bớt số lãnh đạo và cũng không nhất thiết bố trí cấp phó của cơ quan chuyên môn.