Sửa đổi Luật Phá sản, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục pháp lý, mở rộng phạm vi áp dụng chế tài phá sản rút gọn

05/05/2025 17:30 PM

Nghị quyết 68 đặt mục tiêu sửa đổi Luật Phá sản, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục pháp lý, mở rộng phạm vi áp dụng chế tài phá sản rút gọn.

Sửa đổi Luật Phá sản, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục pháp lý, mở rộng phạm vi áp dụng chế tài phá sản rút gọn (Hình ảnh từ Internet)

Sửa đổi Luật Phá sản, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục pháp lý, mở rộng phạm vi áp dụng chế tài phá sản rút gọn (Hình ảnh từ Internet)

Ngày 04/5/2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68/NQ-TW về phát triển kinh tế tư nhân.

Sửa đổi Luật Phá sản, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục pháp lý, mở rộng phạm vi áp dụng chế tài phá sản rút gọn

Cụ thể, tại Nghị quyết 68/NQ-TW năm 2025, Bộ Chính trị yêu cầu thực hiện đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách như sau:

- Đổi mới tư duy xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật bảo đảm nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sử dụng các công cụ thị trường để điều tiết nền kinh tế; giảm thiểu sự can thiệp và xoá bỏ các rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho", tư duy "không quản được thì cấm". Người dân, doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm. Quyền kinh doanh chỉ có thể bị hạn chế vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, môi trường và sức khoẻ của cộng đồng và phải được quy định trong luật.

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật, xoá bỏ các rào cản tiếp cận thị trường đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, rõ ràng, nhất quán, ổn định lâu dài, dễ tuân thủ, chi phí thấp. Minh bạch hoá, số hoá, thông minh hoá, tự động hoá, áp dụng triệt để trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong thực hiện các quy trình, thủ tục hành chính, nhất là về gia nhập, rút lui khỏi thị trường, đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan, bảo hiểm, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn... Trong năm 2025, hoàn thành việc rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân; thực hiện cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo. Triển khai mạnh mẽ việc cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Phấn đấu đến năm 2028, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam thuộc nhóm 3 quốc gia hàng đầu ASEAN và nhóm 30 quốc gia hàng đầu thế giới.

- Chuyển từ nền hành chính công vụ, quản lý là chủ yếu sang phục vụ và kiến tạo phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; hiện đại hoá quản trị công, quản trị dựa trên dữ liệu. Thực hiện chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát. Chuyển việc quản lý điều kiện kinh doanh từ cấp phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và hậu kiểm, trừ một số ít lĩnh vực bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định và thông lệ quốc tế. Sửa đổi Luật Phá sản, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục pháp lý, mở rộng phạm vi áp dụng chế tài phá sản rút gọn; đẩy mạnh áp dụng thủ tục tố tụng trên nền tảng điện tử, cải cách cơ chế xử lý tài sản. Thiết lập cơ chế đánh giá, phản hồi về các rào cản, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Khắc phục tình trạng thiếu nhất quán trong thực thi chính sách giữa trung ương và địa phương, giữa các bộ, ngành và giữa các địa phương với nhau.

- Thực hiện cơ chế thị trường, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực vốn, đất đai, tài nguyên, tài sản, công nghệ, nhân lực, dữ liệu và các nguồn lực tài nguyên khác. Rà soát, hoàn thiện các chính sách thuế, phí, lệ phí theo hướng bảo đảm đối xử công bằng giữa các thành phần kinh tế, giảm thuế suất, mở rộng cơ sở tính thuế, nhất là thu thuế điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; nghiêm cấm lạm dụng quyết định hành chính, hành vi bảo hộ cục bộ của ngành, địa phương. Xử lý nghiêm các hành vi làm hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh.

- Hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh doanh dựa trên công nghệ và nền tảng số, đặc biệt là công nghệ tài chính, trí tuệ nhân tạo, tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hoá, tiền mã hoá, thương mại điện tử... Có cơ chế thử nghiệm đối với những ngành, lĩnh vực mới trên cơ sở hậu kiểm, phù hợp với thông lệ quốc tế. Hoàn thiện pháp luật, chính sách về dữ liệu, quản trị dữ liệu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu, bảo đảm an ninh, an toàn.

- Tạo mọi thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính; phân công, phân cấp, phân nhiệm rõ ràng giữa các cấp, ngành của từng cơ quan, đơn vị, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết thủ tục hành chính. Xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, trục lợi cá nhân, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức; đồng thời, có cơ chế miễn trừ trách nhiệm đối với trường hợp đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định liên quan, không tư lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhưng có thiệt hại do rủi ro khách quan.

- Có cơ chế, chính sách đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo đảm theo nguyên tắc thị trường và tuân thủ các cam kết quốc tế; bãi bỏ lệ phí môn bài; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm đầu thành lập; bố trí đủ nguồn lực từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cho các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, kết hợp huy động nguồn lực từ các quỹ đầu tư của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, viện nghiên cứu, trường đại học... Tăng cường vai trò của kinh tế tư nhân, doanh nhân trong tham gia góp ý, phản biện chính sách, bảo đảm thực chất, hiệu quả, minh bạch.

- Đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng, đa dạng hoá các kênh phân phối, phát triển mạnh các nền tảng số, thương mại điện tử; triển khai thực chất, hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; nâng cấp, đổi mới chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân xây dựng và quảng bá thương hiệu. Khuyến khích phát triển các tập đoàn bán lẻ tư nhân; có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tham gia chương trình, kế hoạch, dự án mua sắm công phù hợp với thông lệ quốc tế. Nâng cao năng lực thực thi, tận dụng các cam kết quốc tế và có cơ chế hỗ trợ hiệu quả giải quyết tranh chấp quốc tế cho khu vực kinh tế tư nhân...

- Cập nhật và chuẩn hoá hệ thống chỉ tiêu, số liệu thống kê, cơ sở dữ liệu về kinh tế tư nhân để phục vụ cho công tác đánh giá, hoạch định chính sách, chiến lược phát triển phù hợp cho từng giai đoạn. Có cơ chế phù hợp chia sẻ hệ thống dữ liệu cho các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, tư vấn, phản biện chính sách.

Xem thêm Nghị quyết 68/NQ-TW ban hành ngày 04/5/2025.

Chia sẻ bài viết lên facebook 8

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079